5 điều cần lưu ý khi xảy ra Tranh Chấp Lao Động

Xu hướng vận hành và hội nhập nền kinh tế đã làm đa dạng hóa các quan hệ lao động và từ đó như một hệ quả tất yếu các mâu thuẩn lao động cũng phát sinh nhiều hơn và kéo theo nhiều Tranh Chấp Lao Động hơn.

Tranh Chấp Lao Động là những tranh chấp liên quan về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Hiện nay, Tranh Chấp Lao Động được chia thành hai loại là tranh chấp cá nhân và tranh chấp tập thể. Nội dung được đề cập dưới đây là những điểm đáng lưu ý để đảm bảo thủ tục khi một Tranh Chấp Lao Động xảy ra.

  1. Tranh chấp cá nhân

Đối với tranh chấp cá nhân thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động là một thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ việc ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết, nếu đương sự khởi kiện vụ Tranh Chấp Lao Động mà chưa bảo đảm được điều kiện về hòa giải bao gồm (i) thẩm quyền hòa giải ban đầu phải do hòa giải viên thực hiện; hoặc (ii) hòa giải không thành thì tòa án có thể xem xét như chưa đủ điều kiện khởi kiện và thực hiện việc trả lại đơn khởi kiện.

Vì vậy biên bản hòa giải hoặc các tài liệu chứng minh hòa giải không thành cũng là những tài liệu quan trọng từ phía người lao động cũng như người sử dụng lao động để tòa án xem xét thụ lý và giải quyết tranh chấp.

  1. Tranh Chấp Lao Động tập thể

Đối với Tranh Chấp Lao Động tập thể, thủ tục hòa giải do hòa giải viên thực hiện cũng là thủ tục bắt buộc. Trường hợp hòa giải viên hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân giải quyết nếu tranh chấp phát sinh là Tranh Chấp Lao Động liên quan đến quyền của các bên hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết nếu tranh chấp là Tranh Chấp Lao Động liên quan đến lợi ích của các bên.

  1. Các Tranh Chấp Lao Động không phải hòa giải trước khi khởi kiện

Vì đối tượng của Tranh Chấp Lao Động là các quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trực tiếp của các bên nên hòa giải luôn là thủ tục ưu tiên bắt buộc. Mặc dù vậy, tùy vào tính chất cụ thể của tranh chấp, một số các Tranh Chấp Lao Động được liệt kê sau đây sẽ không bắt buôc phải thực hiện thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện: Tranh Chấp Lao Động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Tranh Chấp Lao Động về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Tranh Chấp Lao Động giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Tranh Chấp Lao Động về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và Tranh Chấp Lao Động về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó đối với những tranh chấp thuộc phạm vi được liệt ra đây, các bên trong quan hệ lao động có thể trực tiếp khởi kiện ra tòa án mà không cần phải thực hiện các thủ tục hòa giải trước.

  1. Thời hiệu khởi kiện

Ngoài ra liên quan đến Tranh Chấp Lao Động, thời hiệu hòa giải và khởi kiện cũng là một vấn đề cần lưu ý. Người lao động và người sử dụng lao động nên lưu ý về thời hiệu tiến hành hòa giải bao gồm thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải Tranh Chấp Lao Động cá nhân sẽ là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm; thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết Tranh Chấp Lao Động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Riêng về thời hiệu yêu cầu giải quyết Tranh Chấp Lao Động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

  1. Thẩm quyền giải quyết Tranh Chấp Lao Động

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết Tranh Chấp Lao Động bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hòa giải Tranh Chấp Lao Động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.
  • Hội đồng trọng tài lao động. Trong đó, hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, gồm Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thư ký Hội đồng và các thành viên là đại diện công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
  • Toà án nhân dân.

Hòa giải và thời hiệu hòa giải có thể không phải phức tạp đối với các bên tranh chấp, đặc biệt là người sử dụng lao động, tuy nhiên khi các bên không thể đảm bảo tuân thủ, các bước thủ tục này có thể sẽ ảnh hưởng lớn thời gian và sự chấp thuận của tòa án đối với việc thụ lý, xử lý tranh chấp sau này. Ngoài ra, người lao động và người sử dụng lao động cũng cần chú ý đến quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết Tranh Chấp Lao Động như nêu trên để thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật khi xảy ra tranh chấp.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về lao động và việc làm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 3622 3522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-associates.com