Câu hỏi 12. Doanh nghiệp thuê văn phòng, trụ sở làm việc có trách nhiệm gì trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy?

  1. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trụ sở làm việc của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật phòng và cháy chữa cháy, được hướng dẫn bởi Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ[1]. Theo đó, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây[2]:

1.1       Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở;

  • Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở;

1.3       Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

1.4       Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

1.5       Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;

1.6       Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

1.7       Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

1.8       Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình nằm trong danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; và

1.9       Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

Như vậy, các doanh nghiệp đặt trụ sở làm việc trong công trình từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên có trách nhiệm phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy nêu trên.

  1. Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy thuộc về chủ tòa nhà hay doanh nghiệp thuê địa điểm làm trụ sở văn phòng?

 

Trên thực tế tại Việt Nam hiện nay, khi các doanh nghiệp thuê địa điểm để đặt trụ sở làm việc,nhiềudoanh nghiệp thuê hiểu lầm về việc chủ toà nhà sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xin cấp các chứng nhận, giấy xác nhận cần thiết đảm bảo tòa nhà thoả mãn an toàn phòng cháy, chữa cháy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như các trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy khác nêu trên.

Tuy nhiên, doanh nghiệp thuê địa điểm đặt trụ sở làm việc trong tòa nhà từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 cần lưu ý rằng, khi toà nhà hoàn thành xây dựng, chủ toà nhà chỉ đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của toà nhà tại thời điểm hoàn thành xây dựng (lúc này chưa có đơn vị thuê nên đa phần là mặt bằng trống).Khi tòa nhà được cho thuê làm văn phòng, trụ sở làm việccho các doanh nghiệp thì hiện trạng mặt bằng tại mỗi tầng của toà nhà có thể bị thay đổi do các doanh nghiệp sẽ bố trí lại phòng làm việc, phòng họp, bố trí hệ thống, khu làm việc, giải trí, tiếp tân. Do đó, mỗi doanh nghiệpsẽ phải có riêng phần thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thiết kế xây dựng văn phòng của tòa nhà, cụ thể là:

2.1       Thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy của từng doanh nghiệp phải được chủ tòa nhà phê duyệt và xác nhận là phù hợp với hệ thống phòng cháy, chữa cháy chung của toà nhà thì doanh nghiệpthuê mới bắt đầu tiến hành thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp.

2.2       Sau khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp thuê tòa nhà đã hoàn thành, thì doanh nghiệp thuê hoặc nhà thầu phối hợp với chủ toà nhà để mời Công an phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền đến đánh giá trước khi Công an phòng cháy, chữa cháy ra chứng nhận, công văn xác nhận thoả mãn yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Nếu Công an phòng cháy, chữa cháy đánh giá hệ thống phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp thuê là đạt thì họ sẽ cấp chứng nhận, công văn xác nhận theo quy định pháp luật, nếu chưa đạt thì họ sẽ yêu cầu sửa chửa hoặc bố trí lại đến khi theo đúng yêu cầu, quy định phòng cháy, chữa cháy; sau đó Công an phòng cháy, chữa cháysẽ đến địa điểm văn phòng đánh giá lại lần cuối trước khi cấp chứng nhận, công văn xác nhận cho doanh nghiệp.

 

Do đó, các doanh nghiệp khi thuê địa điểm làm trụ sở trong tòa nhà từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên cần lưu ý thực hiện phần thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháyriêng ngoài hệ thống chung của toà nhà và cùng với nhà thầu phối hợp với chủ tòa nhà để xin cấp các chứng nhận, giấy xác nhận cần thiết từ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

[1] Mục 10, Phụ lục II, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày31/07 2014

[2] Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014