Đường Xưa – Đệm (Cover) bởi Nguyễn Hữu Phước

Con đường xưa khi ta cùng chung bước, cùng ngắm trăng sao, cùng hát những bản tình ca, thật khó thể nào quên. Con đường xưa dẫn vào ngõ cũ, đến ngôi nhà thân thương, đến những kỷ niệm thiếu thời nơi ta lớn lên cùng cha mẹ, anh em, bạn bè, thật khó quên được. Và rất nhiều ca khúc nói về con đường xưa cũ đó. Châu Kỳ viết ca khúc ”Con đường xưa em đi” (1968), Hoàng Thi Thơ viết ca khúc “Đường xưa lối cũ” (1959) nói về người tình Truơng Tân Nhân ở lại ngoài Bắc sau 1954, còn Quốc Dũng chỉ dùng hai chữ vỏn vẹn” Đường xưa” để gói ghém toàn bộ những ký ức của mình về một mối tình đã qua, về một bóng hồng trong dĩ vãng.

Không biết Quốc Dũng sáng tác bản này lúc nào, chỉ biết nó ra đời có lẽ trước 1975 nhưng lúc đó chưa thấy ai hát, cho đến sau này nó mới nổi lên năm 2005, trung tâm nhạc Thúy Nga đã thực hiện DVD Paris By Night 78: Đường xưa lấy tựa đề bản nhạc làm chủ đề cho cuốn băng.
Bản nhạc này lúc nghe lần đầu không thấy hay, nhưng bẳng sau một thời gian nghe lại thì thấy hay, giống như rượu càng ủ lâu càng lên men nồng. Âm hưởng nó nghe thật du dương, lúc khắc khoải, lúc dào dạt, lúc chuyển sang những âm thể xa nghe lâng lâng rồi lại trở về âm hưởng chính.
Xin phân tích một chút về kỷ thuật âm nhạc: Đoạn điệp khúc đột ngột chuyển sang những âm thể xa (Cm chuyển sang Fm, rồi chuyển sang Bɓ để dọn dường chuyển sang Eɓ, Từ Eɓ lại chuyển qua Bɓm rồi sau đó mới trở về các hợp âm chính của Cm) .Do đó trong đoạn nhạc “Sẽ hấp hối trong đêm mù khơi ,Sẽ thấy bóng tối vây từng nỗi đau xanh ngời” ta nghe hòa âm chuyển đi đến những âm lạ tai nhưng không phải không có liên hệ nhau (bậc 1,bậc 3, bậc 5, trưởng và thứ).
Bản nhạc nay có lời rất ướt át.
Ta biết Quốc Dũng là một người có tài, nên đào hoa và dĩ nhiên tình cảm rơi rớt ít nhiều đây đó. Và cũng như nhiều nhạc sĩ khác, những mối tình đó để lại nhiều ca khúc bất tử cho cuộc đời.
Con đường xưa ngày nào ta đã đi qua để lại biết bao nỗi niềm nhớ thương trong lòng:
Bước trên đường về anh thương nhớ em âm thầm
Nhớ bao hẹn thề xưa êm ấm
Những trưa hè tình dâng lên đắm say vô bờ
Em nói bằng tiếng thơ mong chờ.
Phải chia tay hai người hai ngả, bây giờ cô đơn chàng nghệ sĩ dạo bước trên đường xưa nhớ lại những tháng ngày qua ,những tháng ngày không bao giờ trở lại:
Đã không còn đường xưa thơm nắng môi em hồng
Tan nát rồi giấc mơ hương nồng.
Cao trào của nỗi đau dâng lên với đoạn điệp khúc, Nó đưa tâm trạng kẻ lang thang đến những bến bờ mới, xa xôi hoang vắng, rồi sau đó rớt trở về thực tại đau buồn:
Rồi ta sẽ bước chới với khi người khuất xa chân trời
Sẽ hấp hối trong đêm mù khơi
Sẽ thấy bóng tối vây từng nỗi đau xanh ngời
Xa vắng rồi những khi bên người.
Và rồi lang thang cho lắm chàng nghệ sĩ cũng quay về mái nhà xưa bỏ lại con đường đã đi qua cho nó trôi về dĩ vãng. Tác giả lại kết thúc bản nhạc ngay sau cao trào của điệp khúc lần hai thay vì trở về với phiên khúc của những bản nhạc khác…
Rồi ta sẽ thấy thấp thoáng bao làn tóc em bay dài
Thấp thoáng dáng yêu thương ngày mai
Với những tiếng hát yêu người thiết tha mơ màng
Ta gói trọn giấc mơ phai tàn.
Bản nhạc này rất khó hát ,dù thang âm không cách biệt lắm nhưng người hát phải nắm vững kỷ thuật chuyên môn ở những đoạn chuyển âm , có những nốt lạ , dễ sai cao độ, không phát âm tròn chữ. So sánh nhiều ca sĩ thì bản nhạc này chỉ có Bảo Yến hát là đạt nhất, hát rõ lời, chuyển tông (tone) rất nhẹ nhàng, tình cảm lẫn kỷ thuật ăn khớp từng chút một.