Làm Thế Nào Để Xây Dựng Những Tập Đoàn Luật Sư Việt Nam Tầm Cỡ Trên Sân Nhà?

Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào tháng 01/2007. Như vậy, đã đến lúc chúng ta phải tham gia vào sân chơi kinh tế toàn cầu. Việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế Việt Nam là thật sự cần thiết và cấp bách để cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Dịch vụ pháp lý cũng không thể nằm ngoài sân chơi toàn cầu này được. Từ năm 1997 cho đến nay, sau hơn 20 năm phát triển nghề luật sư, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc thành lập một vài tập đoàn luật sư Việt Nam hùng hậu với mỗi tập đoàn có đội ngũ vài trăm luật sư chuyên nghiệp.

Nếu thử nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy là ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu, có những hãng luật quốc tế rất lớn. Những hãng luật này hoạt động như một tập đoàn kinh doanh dịch vụ đa quốc gia thực thụ, họ thuê mướn vài trăm thậm chí vài ngàn luật sư làm việc cùng với một đội ngũ nhân viên hỗ trợ (kế toán, trợ lý, thủ thư, tiếp tân…) hùng hậu không kém. Trụ sở của họ (do họ là chủ sở hữu hoặc được họ thuê toàn bộ) thường tọa lạc trong những tòa nhà cao ốc văn phòng hiện đại ở những khu kinh doanh, thương mại cao cấp, sầm uất. Các hãng luật này cung cấp gần như tất cả các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp cho khách hàng pháp nhân và thể nhân. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính mà còn vươn xa đến các quốc gia đã và đang phát triển khác trên thế giới. Một số hãng luật quốc tế thậm chí có cả trăm văn phòng chi nhánh trên toàn thế giới. Có thể nói nôm na là nơi nào có công việc kinh doanh phồn thịnh, nơi đó có sự hiện diện của các hãng luật quốc tế này. Hãy thử vào trang web của một vài hãng luật quốc tế nổi tiếng trên thế giới đã mở chi nhánh tại Việt Nam để tham khảo thêm, ví dụ như www.cliffordchance.com, www.freshfields.com, www.lovells.com, www.whitecase.com, www.bakermckenzie.com.

Tại Châu Á, Singapore có thể cho ta một ví dụ điển hình. Họ tuyên bố độc lập năm 1965 và hiện nay họ đã có các hãng luật lớn trong nước như Lee & Lee, Drew & Napier LLC, Stamford Law Corporation, Kevinchia Partnership. Một số công ty luật Singapore đã tìm cách phát triển bằng việc liên doanh, liên kết hoặc hợp tác với các hãng luật quốc tế nổi tiếng ví dụ như Lovells và Lee & Lee; Allen & Overy và Shook Lin & Bok; Baker & Mckenzie và Wong & Leow để tận dụng mạng lưới khách hàng đa quốc gia, mạng lưới các văn phòng chi nhánh ở các nước cũng như những tài liệu tiền lệ tham khảo phong phú của những hãng luật quốc tế (nguồn: www.legal500.com).

Trước khi bàn về việc làm thế nào để phát triển một số tập đoàn luật sư Việt Nam trong thời điểm Việt Nam vừa mới trở thành thành viên WTO và đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta thử nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của nghề luật sư Việt Nam trong những năm vừa qua và tìm hiểu lý do tại sao Việt Nam đã chưa thể xây dựng được một tập đoàn luật sư mạnh.

Chặng đường hình thành và phát triển nghề luật sư Việt Nam.

Từ ngày Miền Nam giải phóng cho đến thời điểm cuối năm 1987, Việt Nam chưa có khái niệm nghề luật sư. Với việc ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư ngày 18/12/1987 (“Pháp lệnh Tổ chức Luật sư”), nghề luật sư đã chính thức được công nhận. Tuy nhiên, Pháp lệnh Tổ chức Luật sư không cho phép luật sư hành nghề độc lập mà phải thông qua tổ chức nghề nghiệp là đoàn luật sư, được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì thế, cho mãi đến tháng 9/2001 cả nước chỉ mới có khoảng 2.000 luật sư trên tổng dân số gần 80 triệu người (khoảng 1 luật sư/40.000 người), trong số đó chỉ có khoảng vài trăm luật sư là hành nghề thực thụ, số còn lại là các cán bộ về hưu, công chức kiêm nhiệm. Trong thời gian này, việc hành nghề luật sư thường là theo tính chất cá nhân, độc lập và các luật sư thường là chỉ tham gia tranh tụng tại các tòa án trong nước.

Pháp lệnh Luật sư (“Pháp lệnh Luật sư”) ban hành ngày 25/07/2001 và có hiệu lực ngày 01/10/2001 đã thổi một luồng gió mới vào “nghề luật sư” bằng hai thay đổi cơ bản là: (1) hình thành các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp (công ty luật hợp danh, văn phòng luật sư); và (2) không chấp nhận sự kiêm nhiệm trong hoạt động hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, một số những thay đổi pháp lý khác cũng đã có tác động tích cực đến con đường chuyên nghiệp hoá nghề luật sư ví dụ như không chấp nhận trình độ “tương đương đại học luật”, cũng như việc mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cho luật sư (được tham gia tố tụng trọng tài; đại diện theo ủy quyền…). Tuy nhiên, Pháp lệnh Luật sư chưa quy định rõ ràng về khái niệm dịch vụ pháp lý nên lại vô hình chung “đẻ” ra việc trong thị trường dịch vụ pháp lý lại có “hai luật chơi” là Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh Luật sư. Nhiều người không phải là luật sư nhưng vẫn cứ cung cấp dịch vụ pháp lý như luật sư chẳng hạn như những chuyên gia tư vấn đầu tư… Bênh cạnh đó, việc phân biệt vai trò giữa luật sư trong công ty luật hợp danh (chỉ được phép thực hiện dịch vụ tư vấn) với luật sư trong các văn phòng luật sư (được cung cấp dịch vụ tư vấn và tham gia tranh tụng) đã khiến hệ thống hành nghề luật sư của chúng ta phát triển không bình thường theo như quy luật của nó. Sau 5 năm thực thi Pháp lệnh Luật sư, về số lượng số luật sư chỉ mới tăng từ 2.000 lên hơn 4.000 luật sư và hơn 800 tổ chức hành nghề luật sư (bao gồm chi nhánh và văn phòng luật sư) đi vào hoạt động, ban đầu hình thành một mạng lưới mới trong hệ thống thực thi pháp luật ở Việt Nam trongt khi chưa có sự tăng trưởng đáng kể về chất. Bên cạnh đó, những tổ chức hành nghề luật sư thành lập trong giai đoạn này cũng chỉ hoạt động đơn lẽ và manh múng. Mỗi tổ chức hành nghề luật sư chỉ đăng ký có vài luật sư, mỗi luật sư trong mỗi tổ chức luật sư lại hoạt động độc lập, chỉ chia sẻ với nhau chi phí hoạt động cơ bản chung của tổ chức luật sư. Các dịch vụ pháp lý chủ yếu là vẫn tham gia tranh tụng tại tòa án các cấp và chạy dịch dụ. Hơn thế nữa, trong tổng số 4.000 luật sư đó, chỉ có khoảng 1% là có hiểu biết về luật pháp quốc tế để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại và thực sự chỉ có chưa đầy 20 trong số đó là “luật sư tranh tụng” có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế. Trong hoàn cảnh pháp lý như vậy, việc thành lập một tập đoàn luật sư Việt Nam trong giai đoạn này là hoàn toàn không thể.

Sự thống lĩnh của các công ty luật quốc tế

Hiện nay, mặt dù với hơn 4.000 luật sư đăng ký hành nghề trên toàn quốc nhưng thị trường pháp lý phục vụ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện và chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam lớn lại gần như bị thống lĩnh bởi các chi nhánh của các hãng luật nước ngoài dù tầm cỡ của các chi nhánh này ở Việt Nam không lớn, thường vào khoảng từ 10 đến 20 luật sư và phần lớn trong số họ là các luật sư Việt Nam được thuê mướn. Có thể đưa ra một vài ví dụ điển hình chi nhánh của các hãng luật quốc tế đã hiện diện tại Việt Nam như Baker & McKenzie, Freshfields Bruckhaus Deringer, Gide Loyrette Nouel, Lovells, Gide Loyrette Nouel, Lucy Wayne & Associates, Johnson Stokes & Master,  Philip Fox, Rouse & Co. International, Frazers, PricewaterhouseCoopers Legal, Tilleke & Gibbins Consultants Limited, Russin & Vecchi, LLC, Kelvin Chia Partnership.

Các hãng luật trong nước đang định hình và phát triển

Các hãng luật trong nước cũng đang trong giai đoạn định hình và phát triển nhanh. Nhiều hãng luật trong nước được thừa nhận là có khả năng tiềm năng trong việc cạnh tranh bình đẳng với chi nhánh các hãng luật quốc tế lớn hiện diện tại Việt Nam. Một vài ví dụ như Vilaf Hong Duc, YKVN, Phuoc & Associates, Vision & Associates, Thang & Associates, DC Lawyers, LuatViet Avocates and Solicitors, Pham & Associates; Nghiêm Chính; InvestConsult Legal Services, Investip, VCI Legal, D&N International. Thực tế hành nghề luật sư cho thấy, mỗi hãng luật Việt Nam có những thế mạnh cung cấp dịch vụ riêng, thuê mướn từ 10 đến 20 luật sư với văn phòng hiện diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số đặc thù là đều có văn phòng ở cả Đà Nẵng (Phuoc & Associates). Những luật sư sáng lập và luật sư điều hành của các hãng luật này đa số là những người Việt Nam đã từng có kinh nghiệm làm việc nhiều năm cho các chi nhánh của các hãng luật quốc tế tại Việt Nam, một số làm việc cho các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư Việt Nam, một số khác đi du học ở các nước phương Tây trở về và số còn lại là những luật sư đã từng đi du học ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây trở về nước hành nghề luật sư.

xay-dung-hang-luat-tam-co-quoc-te

Trong thời gian vừa qua, khuynh hướng phát triển chung của các hãng luật Việt Nam phần lớn là chia, tách nhiều hơn là sáp nhập, hợp nhất. Đây cũng là khuynh hướng chung trong giai đoạn thị trường pháp lý ở Việt Nam mới vừa phát triển và còn non trẻ. Các luật sư Việt Nam cảm thấy có nhiều cơ hội tốt để tự phát triển riêng cũng như để tự khẳng định mình nên thường không thích hợp tác, liên danh. Nhiều hãng luật của Việt Nam mới được thành lập với quy mô khá lớn từ cơ sở vật chất (văn phòng, trang thiết bị hành nghề), công nghệ thông tin (website, phần mềm chuyên dùng) đến con người (thuê luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam đi du học ở nước ngoài) từ việc chia, tách các hãng luật Việt Nam trong vài năm gần đây, ví dụ như VCI Legal, Phước & Associates, Indochine Council, DC Lawyers.

Thị trường đang phát triển

Thị trường pháp lý trong nước đang trong thời kỳ nở rộ tiếp sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức WTO. Đâu đâu cũng cần sự giúp đở của luật sư. Cụ thể, các công ty nước ngoài tiếp tục đổ xô vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và dĩ nhiên họ cần tham vấn ý kiến của luật sư cho những dự án đầu tư của họ. Các công ty cổ phần Việt Nam đã được hay chuẩn bị được niêm uyết trên sàn chứng khoán trong nước cũng cần tham vấn luật sư để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật của họ. Những công ty vừa và nhỏ trong nước đang tìm cách tái cơ cấu, cấu trúc pháp lý của họ qua các hình thức hợp nhất, sáp nhập để có thể tồn tại và phát triển trong tình hình kinh tế mới cũng cần đến sự trợ giúp pháp lý của luật sư. Thậm chí ngay cả cầu thủ bóng đá cũng cần phải tham vấn ý kiến luật sư trước khi ký hợp đồng với câu lạc bộ bóng đá. Bên cạnh đó, do kinh tế phát triển, nhiều giao dịch dân sự và kinh tế mới phát sinh và dĩ nhiên một phần trong số đó sẽ có phát sinh tranh chấp, và dĩ nhiên cũng lại cần đến luật sư tham gia tranh tụng. Nói chung, có thể nói là vào thời điểm hiện tại và ít nhất trong 10 năm nữa, chiếc bánh dịch vụ pháp lý vẫn còn quá lớn, đủ và dư chổ cho tất cả mọi luật sư nếu luật sư thật sự có nghiệp vụ và hành xử chuyên nghiệp hơn.

Như vậy điều kiện cần và đủ đã có, tại sao chúng ta vẫn chưa thể thành lập các tập đoàn luật sư Việt Nam?

Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể tóm tắc ở sáu nguyên nhân chính sau đây:

1. Kiến thức luật khác nhau.Do hoàn cảnh lịch sử, đời sống chính trị Việt Nam có nhiều thay đổi lớn trong thế kỷ 20, các luật sư Việt Nam đã được đào tạo từ nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Một số người là du học sinh tại các nước theo khối Liên Xô cũ trước đây được đào tạo theo hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, một số khác được đào tạo theo hệ thống pháp luật chế độ cũ trước đây, một số được đi du học ở các nước tư bản phương Tây sau ngày Miền Nam giải phóng, một số khác lại được đào tạo ở trong nước sau ngày Miền Nam giải phóng nhưng trước thời kỳ mở cửa (1986) và phần đông còn lại là những người trẻ tuổi thế hệ 7x, 8x được đào tạo trong nước sau thời kỳ mở cửa (theo hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có định hướng kinh tế thị trường). Việc liên doanh, hợp tác giữa những luật sư được đào tạo ở những hệ thống pháp luật khác nhau cũng đã gặp rất nhiều khó khăn do phương pháp luận, cách tư duy, nhận thức và nhìn nhận vấn đề pháp lý, trong một chừng mực nào đó, có một sư khác biệt đáng kể. Đây là một nguyên nhân khách quan phải nhìn nhận do bối cảnh lịch sử để lại.

2. Tính cách của con người ba miền khác nhau. Một lý do khác không kém phần quan trọng chính là do hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh hoạt và phát triển nên người Bắc, Trung và Nam về tính cách có những nét đặt thù khá riêng. Mỗi tính cách bộc lộ những điểm mạnh và điểm yếu nên khi có sự liên doanh, hợp tác, liên kết giữa các luật sư của ba miền lại với nhau, việc bình hòa tính cách giữa các miền với nhau để tạo nên một đội ngũ luật sư có tính cách chung là thật sự khó khăn. Một số trường hợp chia, tách các hãng luật Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng phát sinh từ nguyên nhân này.

3. Cách phân chia thu nhập chưa chuyên nghiệp. Việc phân chia thu nhập không đồng đều giữa các luật sư thành viên với nhau củng là nguyên nhân của nhiều cuộc chia, tách các hãng luật Việt Nam trong thời gian gần đây. Do nghề luật sư hoạt động theo mô hình “hợp danh” và “chịu trách nhiệm vô hạn” nên nếu áp dụng việc phân chia thu nhập theo dạng cổ phần hay phần vốn góp trong các công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn bình thường sẽ không thể phản ánh đúng, đầy đủ và công bằng công sức đóng góp của từng luật sư trong các hãng luật và thường dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Trong một công ty bình thường, nếu giám đốc không làm việc trong một thời gian thì công ty có thể vẫn hoạt động bình thường nhưng trong một hãng luật mà không có luật sư thành viên thì sẽ không có khách hàng. Vì mối quan hệ khách hàng và luật sư là mối quan hệ tin cậy “trust”. Một số hãng luật thực hiện việc phân chia thu nhập theo số lượng khách hàng mà từng luật sư đảm trách cũng không có hiệu quả cao do không có luật sư nào muốn chia sẻ các khách hàng của mình cho những luật sư khác. Các phương thức phân chia thu nhập khác cũng đã được xem xét nhưng do rất phức tạp trong việc tính toán, kế toán nên không được các luật sư ưa chuộng. Bên cạnh đó, các phần mềm vi tính phục vụ việc phân chia thu nhập được mã hóa tiếng Việt không có sẳn trên thị trường trong nước hay quá đắt và không tương thích với người sử dụng Việt Nam đối với các phần mềm mua ở nước ngoài.

4. Cách hành xử “độc lập” của luật sư. Do nguyên tắc hành nghề của luật sư được quy định là độc lập, trung thực và tôn trọng sự thật khách quan (Điều 5.3 của Luật Luật sư). Nhiều luật sư có suy nghĩ là trong quá trình hành nghề luật họ không chỉ hành xử độc lập với tòa án, cơ quan nhà nước mà cũng cần phải độc lập với cả luật sư đồng nghiệp. Do đó, các luật sư thường có khuynh hướng thích độc lập tác chiến hơn là hợp tác với các luật sư khác trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhiều khi nhận được những yêu cầu hỗ trợ pháp lý của khách hàng không thuộc chuyên môn nhưng họ vẫn âm thầm thực hiện theo tiêu chí “vừa làm vừa học” hơn là đi hỏi ý kiến tư vấn của những luật sư khác hay giới thiệu cho các luật sư khác do sợ rằng những luật sư khác có thể sẽ chê bai họ không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, việc chia sẻ hay cập nhật kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn với các luật sư đồng nghiệp thường rất hạn chế.

5. Vị trí địa lý và quy định về hộ khẩu.Vị trí địa lý của Việt Nam có đặt thù là trải dài gần 1.700 cây số theo đường chim bay dọc biển Đông với ba trung tâm kinh tế, hành chính lớn tọa lạc ở ba vùng khác nhau là Nam Bộ (Sài Gòn), Trung Bộ (Đà Nẵng) và Bắc Bộ (Hà Nội). Trong khi Hà Nội là thủ đô và là trung tâm hành chính thì Sài Gòn lại là trung tâm kinh tế của cả nước. Do sự phân tán về mặt địa lý và kinh tế như vậy nên việc tập trung đội ngũ luật sư lại để phát triển thành tập đoàn luật sư cũng gặp khá nhiều khó khăn. Thêm vào đó, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức Luật sư và Pháp lệnh Luật sư trước đây, luật sư Việt Nam phải đăng ký hoạt động với đoàn luật sư Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi luật sư đăng ký hộ khẩu thường trú. Điều này cũng góp phần trong việc cản trở các luật sư liên danh lại với nhau để hình thành nên những tập đoàn luật sư lớn.

6. Nghề luật sư chưa được thừa nhận là một nghề kinh doanh dịch vụ. Hoạt động nghề nghiệp luật sư được quy định như là để góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, luật sư không được khuyến khích kinh doanh, làm giàu như các nghề nghiệp khác. Luật sư không được quảng cáo dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này cũng góp phần gián tiếp trong việc cản trở các luật sư hợp tác với nhau để hình thành nên các tập đoàn luật sư mạnh.

Luật Luật sư ra đời

Với việc Quốc hội ban hành Luật luật sư có hiệu lực vào ngày 01/01/2007 (“Luật Luật sư”) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trên chặng đường chuyên nghiệp hoá nghề luật sư Việt Nam. Theo đó: (1) Luật Luật sư đã thống nhất điều chỉnh thị trường dịch vụ pháp lý, không còn sự tồn tại hai luật chơi. Ai muốn cung cấp dịch vụ pháp lý phải là luật sư và phải được Luật Luật sư và quy tắc đạo đức nghề nghiệp điều chỉnh; (2) bản chất của tổ chức hành nghề luật sư đã được thừa nhận là doanh nghiệp, nghề luật sư lần đầu tiên được xem là một nghề kinh doanh dịch vụ (tương tự như quan niệm về nghề luật sư của thế giới); và (3) luật sư không phải chịu sự phiền toái vì hộ khẩu khi gia nhập đoàn luật sư nữa. Đáng chú ý là sự mở rộng hình thức hành nghề luật sư đang tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho luật sư khẳng định mình trong nhiều lĩnh vực mà trước đây chưa hề tồn tại ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong những năm tới.

Trong một hội nghị đầu năm 2007 được tổ chức tại Bộ Tư Pháp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết sẽ giao cho Bộ Tư Pháp lập kế hoạch đưa 30 luật sư Việt Nam ra nước ngoài để được huấn luyện về luật quốc tế và thương mại quốc tế hầu đáp ứng với nhu cầu hội nhập. Đồng thời Bộ Tư Pháp cũng phấn đấu đến năm 2010 Việt Nam sẽ có 20.000 luật sư.

xay-dung-hang-luat-tam-co-quoc-te-1

Bên cạnh đó, Ông Edward Nally, nguyên Chủ tịch Hội Luật sư Anh và xứ Wales đến Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp luật Việt Nam – Châu Âu, do Bộ Tư pháp, Hội đồng Anh, Hội Luật sư Anh và xứ Wales phối hợp tổ chức đầu năm 2007 cũng đã phát biểu rằng, pháp luật trong nước gần như vẫn là lĩnh vực dành cho luật sư Việt Nam sau khi Việt Nam bước vào sân chơi WTO. Các luật sư quốc tế sẽ vào Việt Nam bằng cách lập văn phòng, chi nhánh, liên doanh với các công ty luật trong nước nhưng trên thực tế, hầu hết các dịch vụ này tham gia tư vấn về luật nước ngoài, luật quốc tế hoặc trọng tài. Pháp luật trong nước gần như là lĩnh vực dành cho luật sư địa phương.

Chúng ta phải làm gì để mong ước của chúng ta thành hiện thực?

Để thực hiện được mong ước này, chúng ta cần phải có một chiến lược dài hạn, bao gồm những bước sau:

1. Cần phải có một số luật sư kỳ cựu với tư duy hiện đại, có nghiệp vụ và kinh nghiệm quản lý giỏi, có uy tín trong giới luật sư đứng ra kêu gọi sự hợp tác, liên kết giữa các nhóm luật sư trẻ lại với nhau.

2. Những luật sư Việt Nam cần phải nâng cao tính tự hào dân tộc trong mỗi bản thân để có thể gạt bỏ những “cái tôi độc lập” của mình để tìm kiếm những luật sư có những thế mạnh chuyên môn khác để ngồi lại với nhau cùng phát triển một tập đoàn luật sư Việt Nam hùng mạnh.

3. Sự thừa nhận của nhà nước và xã hội về tính chất cung cấp dịch vụ của nghề luật sư.

4. Sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các công cụ quản lý hành chính như miễn, giảm thuế thu nhập, cung cấp học bổng để luật sư Việt Nam được tiếp cận với kiến thức luật của các nước tiên tiến, thông tin tuyên truyền về cách nhìn mới tích cực về nghề nghiệp luật sư cũng như xem xét thay đổi phương cách và nội dung giảng dạy trong các khóa đào tạo hành nghề luật sư.

5. Một mô hình phân chia lợi nhuận hợp lý cần được thảo luận đề quyền lợi kinh tế của từng luật sư được đảm bảo.

6. Bản thân luật sư cần nâng cao kiến thức kế toán, tài chính để có thể vận hành một hãng luật lớn như một tập đoàn kinh tế thật sự.

Nếu tất cả hay có thể chỉ một phần trong các bước trên đây được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ thì sẽ không bao lâu chúng ta sẽ có thể chứng kiến nhiều cuộc sáp nhập, hợp nhất giữa các hãng luật Việt Nam hàng đầu hiện nay và một ngày trong tương lai không xa, các tập đoàn luật sư Việt Nam với hàng trăm luật sư chuyên nghiệp trong và ngoài nước sẽ ra đời và phát triển để cạnh tranh bình đẳng với các hãng luật nước ngoài trong thị trường trong nước và sẽ từ từ bước ra sân chơi quốc tế trong tư thế tự tin ngẩng cao đầu. Chúng ta hy vọng cho một ngày nào đó không xa “một cây làm chẳng nên no, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2007

Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Associates