Câu hỏi 106: Trong vụ án ly hôn, nếu một bên vợ hoặc chồng có sao chụp các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhưng lại vô tình hay cố ý làm rò rỉ các thông tin đó cho bên thứ 3 hay trên mạng xã hội làm cho vợ hoặc chồng bên kia hay bên thứ 3 bị thiệt hại và nếu người kia hay bên thứ ba có yêu cầu Thẩm phán thụ lý vụ án ly hôn xem xét thì người vi phạm đó có nghĩa vụ phải bồi thường cho các bên bị thiệt hại không? Việc bồi thường này (nếu có) sẽ được thực hiện ngay trong vụ án ly hôn này hay là trong một vụ kiện dân sự khác ở một Tòa án có thẩm quyền xét xử khác?

Theo quy định của pháp luật, việc một bên vợ hoặc chồng yêu cầu bồi thường do vợ hoặc chồng phía bên còn lại đã có hành vi làm rò rỉ thông tin trong hồ sơ vụ án tới bên thứ ba hoặc mạng xã hội gây thiệt hại cho họ chính là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (gây thiệt hại khi hai bên không có thỏa thuận, hợp đồng với nhau). Để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được chấp nhận, pháp luật yêu cầu bên bị thiệt hại phải chứng minh đủ 03 nguyên tắc sau:

  • Có hành vi trái pháp luật của bên gây thiệt hại;
  • Có thiệt hại phát sinh trên thực tế; và
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế của bên bị thiệt hại[1].

Như vậy quay trở lại vấn đề ban đầu, liệu việc làm rò rỉ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án khiến cho các đương sự khác bị thiệt hại có làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người làm rò rỉ thông tin hay không? Cần phải xét xem liệu hành vi đó có thỏa mãn 03 nguyên tắc của bồi thường thiệt hại được nêu nêu trên hay không.

Thứ nhất, về hành vi trái pháp luật, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin của các đương sự trong vụ án ly hôn trừ trường hợp các tài liệu chứng cứ thuộc về bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Như vậy, nếu đương sự đã yêu cầu Tòa án bảo mật các thông tin có liên quan đến những thông tin nói trên, và đương sự còn lại trong quá trình sao chụp chứng cứ đã không tuân thủ việc bảo mật, làm rò rỉ thông tin ra bên ngoài thì rất có thể đây sẽ được xem là hành vi trái pháp luật. Đồng thời, quy định của pháp luật cũng quy định rằng, việc sao chụp tài liệu, chứng cứ phải tuân thủ quy định của luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư[3]. Do đó, nếu hành vi làm rò rỉ thông tin vi phạm những quy định này thì đây cũng bị xem là hành vi trái pháp luật.

Thứ hai, có thiệt hại thực tế phát sinh. Cho dù bên làm rò rỉ thông tin, tài liệu chứng cứ có hành vi trái pháp luật nhưng nếu bên bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại thực tế phát sinh thì bên bị thiệt hại chỉ có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi đó chứ không thể đòi bồi thường thiệt hại trên thực tế. Bên yêu cầu phải chứng minh rõ ràng việc bên yêu cầu đã bị thiệt hại gì, mức thiệt hại là bao nhiêu. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần. Bên yêu cầu phải đưa ra được những ước đoán cụ thể, hợp lý về mức độ mỗi loại thiệt hại.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại của bên bị vi phạm. Người yêu cầu phải chứng minh được rằng thông tin bị tiết lộ là do người sao chụp tài liệu tiết lộ mà không phải do người thứ ba hoặc mạng xã hội có được từ một nguồn khác. Đồng thời, người yêu cầu cũng phải chứng minh việc người thứ ba hoặc mạng xã hội đăng tải thông tin bị tiết lộ trong hồ sơ vụ án đóng vai trò là nguyên nhân gây thiệt hại cho mình mà không phải là một nguyên nhân khác.

Như vậy, nếu thỏa mãn tất cả các nguyên tắc nói trên, yêu cầu bồi thường có thể được Tòa án có thẩm quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, nếu yêu cầu Thẩm phán thụ lý vụ án ly hôn giải quyết thì Thẩm phán sẽ từ chối vì tính chất của vụ án ly hôn sẽ tập trung vào giải quyết 03 vấn đề cốt yếu đó là: quan hệ hôn nhân, chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn và chăm sóc, nuôi dưỡng con chung. Đây là 03 vấn đề mấu chốt của vụ án ly hôn và tất cả những yêu cầu hay những người tham gia đều xoay quanh ba vấn đề này. Việc yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng, dù có liên quan đến mối quan hệ giữa vợ chồng, lại không có liên quan đến ba vấn đề ở trên. Nếu vợ khởi kiện yêu cầu chồng bồi thường (hoặc ngược lại) thì mối quan hệ giữa họ trong vụ việc này chỉ là bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại mà không phải là mối quan hệ hôn nhân. Do đó, đối với việc đưa ra yêu cầu về bồi thường thiệt hại nói trên trong vụ án ly hôn, Thẩm phán đang giải quyết vụ án ly hôn sẽ có thể không chấp nhận thụ lý giải quyết chung với vụ án ly hôn. Mặc dù không thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường nhưng Thẩm phán vẫn có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu khởi kiện trong một vụ án dân sự khác.


[1] Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Điều 109.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.