Câu hỏi 175. HĐLĐ với NLĐ nữ đang mang thai hoặc đang nghỉ thai sản có đương nhiên chấm dứt khi hết hạn không?

Theo quy định của BLLĐ, HĐLĐ sẽ chấm dứt nếu HĐLĐ xác định thời hạn hết thời hạn theo HĐLĐ nhưng các bên không có nhu cầu tiếp tục duy trì mối quan hệ lao động[499], trừ trường hợp theo quy định của luật lao động bắt buộc NSDLĐ phải gia hạn HĐLĐ với NLĐ nào là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà HĐLĐ hết hạn[500]. Ngoài ra, BLLĐ còn quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ưu tiên giao kết HĐLĐ mới với NLĐ nữ nào mang thai/nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi khi HĐLĐ hết hạn[501]. Có thể hiểu rằng trong trường hợp này, các bên không bắt buộc phải tiếp tục mối quan hệ lao động bằng cách giao kết HĐLĐ mới mà đề cao việc NSDLĐ phải ưu tiên thỏa thuận với NLĐ nữ mang thai hoặc đang nghỉ thai sản về việc giao kết HĐLĐ mới.

Vì vậy, nếu NLĐ nữ nào đang mang thai/nghỉ thai sản không phải là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ thì khi HĐLĐ hết hạn và các bên không có nhu cầu tiếp tục giao kết HĐLĐ mới và NSDLĐ có thông báo bằng văn bản cho NLĐ nữ mang thai/nghỉ thai sản đó biết ý định của doanh nghiệp thì HĐLĐ đã giao kết sẽ đương nhiên được chấm dứt.

Trong trường hợp này, NLĐ nữ đó vẫn được hưởng mức hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH cho đến khi hết 06 tháng nghỉ thai sản miễn là NLĐ nữ đáp ứng đầy đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Cũng cần lưu ý rằng thời gian mà NLĐ nữ hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi HĐLĐ hết hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết hạn sẽ không được tính là thời gian đóng BHXH[502].

Với vai trò là NSDLĐ có sử dụng NLĐ nữ thuộc trường hợp nêu trên, NSDLĐ khi đó có thể căn cứ vào nhu cầu công việc để xem xét và giải quyết HĐLĐ với NLĐ nữ đó theo một trong những cách sau đây:

1. Ký lại HĐLĐ

Theo quy định của BLLĐ, nếu HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên phải giao kết HĐLĐ mới; nếu không giao kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn[503]. Do đó, về mặt nguyên tắc, nếu NSDLĐ có nhu cầu ký lại HĐLĐ với NLĐ khi HĐLĐ hết hạn thì phải thông báo cho NLĐ biết ý định tái ký bằng văn bản trước khi HĐLĐ hết hạn (kể cả khi NLĐ nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản) để đảm bảo rằng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên sẽ tiến hành giao kết HĐLĐ mới theo đúng quy định.

2. Chấm dứt HĐLĐ

Như đã trình bày ở trên, HĐLĐ với NLĐ nữ đang mang thai/nghỉ thai sản sẽ đương nhiên chấm dứt khi HĐLĐ hết hạn. Khi đó, NSDLĐ phải ưu tiên giao kết HĐLĐ mới với NLĐ nữ nào đang mang thai/nghỉ thai sản. Nếu các bên thật sự không có nhu cầu tái ký HĐLĐ, khi xem xét đơn xin nghỉ thai sản của NLĐ nữ mà nhận thấy HĐLĐ của NLĐ nữ sẽ hết thời hạn trong thời gian họ nghỉ thai sản 06 tháng, NSDLĐ có quyền phê duyệt một khoảng thời gian nghỉ thai sản ngắn hơn (cho đến thời điểm HĐLĐ hết hạn).

Mặc dù được xem là một trong các trường hợp được đương nhiên chấm dứt HĐLĐ và ưu tiên giao kết HĐLĐ mới, nhưng nếu không tái ký HĐLĐ, để đảm bảo việc chấm dứt HĐLĐ do hết hạn đúng quy định của pháp luật, NSDLĐ cần lưu ý thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục như sau:

2.1 Thứ nhất, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết về thời điểm HĐLĐ chấm dứt[504].

Quy định này nhằm mục đích minh thị với NLĐ rằng các bên sẽ không giao kết một HĐLĐ mới. Bởi vì, nếu HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên phải giao kết một HĐLĐ mới; nếu không giao kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn[505]. Như vậy, nếu không muốn kéo dài thời hạn làm việc với NLĐ nữa, NSDLĐ phải chủ động gửi thông báo chấm dứt bằng văn bản cho NLĐ biết, trong đó nêu rõ rằng HĐLĐ sẽ chấm dứt vào ngày hết hạn và NSDLĐ không có ý định ký lại HĐLĐ nữa.

2.2 Thứ hai, trong vòng 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 30 ngày (nếu doanh nghiệp hoặc NLĐ gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã[506]), NSDLĐ phải thanh toán cho NLĐ tất cả các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ, bao gồm:

  • Tiền lương theo HĐLĐ chưa thanh toán;
  • Ngày phép hằng năm chưa nghỉ của NLĐ;
  • Các khoản tiền còn tồn đọng với NLĐ tính đến ngày HĐLĐ chấm dứt; và
  • Trợ cấp thôi việc bằng nửa tháng tiền lương cho mỗi năm NLĐ làm việc cho khoảng thời gian không đóng BHTN, nếu phải trả theo quy định của pháp luật.
  • Cuối cùng, NSDLĐ phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại cho NLĐ sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đang nắm giữ của NLĐ.

[499] Điều 34.1 BLLĐ

[500] Điều 177.4 BLLĐ

[501] Điều 137.3 BLLĐ

[502] Điều 42.6.1 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017

[503] Điều 22.2 BLLĐ

[504] Điều 45.1 BLLĐ

[505] Điều 20.1(b) và Điều 20.2 BLLĐ

[506] Điều 48.1 BLLĐ