Nghề luật sư có bị tai nạn nghề nghiệp không?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

…………………..

  • Bạn biết đấy, làm nghề nào thì cũng có lúc phải chịu tai nạn nghề nghiệp kèm theo, và luật sư cũng không phải ngoại lệ. Thường thì bạn ít gặp tai nạn nghề nghiệp khi làm luật sư tư vấn, nhưng nếu chọn làm luật sư tranh tụng thì nguy cơ tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn sẽ thường xảy ra với bạn hơn. Khi làm luật sư tranh tụng, bạn sẽ đại diện cho một trong các bên đối kháng trong một vụ việc tranh chấp nào đó. Trong thực tế, nếu khách hàng nhờ bạn đại diện bảo vệ quyền lợi của họ, có nghĩa là các bên trong vụ việc tranh chấp đó đã đến một mức độ căng thẳng và tình huống giảng hòa để làm tất cả các bên hài lòng thường khó xảy ra.

Với vai trò luật sư của mình, bạn phải cố gắng vận dụng các căn cứ của quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của khách hàng của bạn trong vụ việc tranh chấp đó. Khi cố gắng như vậy, nhiều khi bạn lại khiến cho bên tranh chấp với khách hàng của bạn cảm thấy không hài lòng hoặc thậm chí giận dữ. Nhiều khi, vì không thể kìm chế, họ có thể có hành vi vi phạm pháp luật, chẳng hạn như nói xấu, phỉ báng bạn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, mắng chửi hay có lời đe dọa bạn và gia đình bạn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, họ còn trực tiếp hay gián tiếp thuê người phá hoại tài sản của gia đình bạn hoặc thậm chí gây thương tích cho bạn và gia đình bạn.

Do đó, khi bạn nhận các vụ việc pháp lý nghiêm trọng để bảo vệ hoặc bào chữa cho khách hàng, nếu cần gặp gỡ các bên tranh chấp để thương lượng giải quyết tranh chấp, bạn nên yêu cầu các bên tranh chấp gặp nhau tại văn phòng của công ty luật nơi bạn làm việc hoặc tại văn phòng của khách hàng của bạn. Nếu buộc phải đến địa điểm của bên tranh chấp khác hoặc tới tòa án hoặc trung tâm trọng tài, bạn nên đi cùng với ít nhất một đồng nghiệp trong nhóm làm việc chung của bạn trong công ty luật của bạn. Tuy đã chuẩn bị như vậy, nhưng nếu vẫn chưa cảm thấy yên tâm, việc thuê dịch vụ bảo vệ từ các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp có thể là một giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho bạn.

Một lưu ý nhỏ là bạn cần thông báo trước cho khách hàng của bạn biết về việc sử dụng dịch vụ bảo vệ để đảm bảo an ninh cho bạn. Sau đó, bạn sẽ yêu cầu khách hàng thanh toán lại phần chi phí mà bạn đã trả cho công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.

  • Một tai nạn nghề nghiệp khác mà bạn có thể gặp phải là khi khách hàng của bạn cố tình không thanh toán phí dịch vụ pháp lý cho bạn. Trong đa số các trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như tôn trọng luật sư hoặc ngại tạo ra xung đột với luật sư, nên khách hàng của bạn sẽ cố gắng thanh toán đầy đủ phí dịch vụ pháp lý của bạn đúng hạn, nhưng không phải lúc nào bạn cũng may mắn như thế. Trên thực tế, có không ít trường hợp vì tiếc tiền hoặc vì bất kỳ một lý do nào đó mà khách hàng của bạn lại cố tình chây lì không muốn trả phí dịch vụ pháp lý cho bạn, ngay cả khi họ đã ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với bạn một cách chính thức và họ đã thắng kiện.

Trong những tình huống như vậy, dù tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi vụ kiện cho khách hàng của bạn trong một thời gian dài, nhưng sau khi khách hàng của bạn thắng kiện, bạn lại phải tốn thêm không ít thời gian, công sức và tiền bạc để đưa chính khách hàng đó ra tòa hay trung tâm trọng tài để phân xử thắng thua trong hợp đồng dịch vụ pháp lý mà bạn đã giao kết với họ. Nếu bạn thắng kiện, bạn lại còn phải tiếp tục làm việc với cơ quan thi hành án có thẩm quyền để nhớ họ yêu cầu khách hàng đó phải trả phí dịch vụ đầy đủ cho bạn.

  • Không dừng lại ở đó, còn có một câu chuyện nghề nghiệp dở khóc dở cười khác khi bạn được thuê làm luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong một vụ án nào đó. Sau khi đọc hồ sơ, tài liệu và tham khảo các văn bản pháp luật liên quan, bạn nhận định rằng khách hàng của bạn không thể thắng vụ án đó được vì cơ sở pháp lý của họ quá yếu, bằng chứng không thuyết phục và thiếu nhân chứng đáng tin cậy. Vai trò của bạn chỉ là giảm nhẹ hình phạt hay mức phạt cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong phiên xử, dù luật sư đối diện rất năng động và khó đối phó, và bạn phải bảo vệ luận cứ của khách hàng, bất ngờ thay, đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử lại có quan điểm đồng ý với lập luận của bạn mà không cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng. Hơn nữa, thật ngạc nhiên khi khách hàng của bạn lại trả lời các câu hỏi một cách thờ ơ và không chủ động trong các đối đáp với bên đối nghịch, đại diện viện kiểm soát và hội đồng xét xử. Cuối cùng, quyết định của hội đồng xét xử là khách hàng của bạn đã thắng hoàn toàn trong vụ án đó.

Khi rời khỏi phòng xử án, bạn không biết nên cười hay khóc, và câu hỏi lớn trong đầu là tại sao khách hàng của bạn lại có thể thắng hoàn toàn trong một vụ án mà theo kinh nghiệm của bạn, họ chắc chắn sẽ thua. Câu trả lời có thể là khách hàng của bạn đã bí mật liên kết với đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử mà không cho bạn biết vì sợ bạn không đồng ý và buộc phải tố giác tội phạm theo yêu cầu của pháp luật. Có thể nói rằng, vai trò của bạn chỉ là một phần thủ tục trong vụ án và hỗ trợ cho có mà thôi.

Hiện nay, qua báo chí đã có không ít trường hợp nguyên đơn hay bị đơn bị phát hiện hối lộ hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát để thắng trong các vụ án của họ, vì vậy bạn không nên quá ngạc nhiên về tình huống này. Trong trường hợp này, nếu khách hàng đó yêu cầu bạn tiếp tục hỗ trợ họ trong giai đoạn thi hành án (nếu không kháng cáo) hoặc tham gia giai đoạn phúc thẩm (nếu vụ án bị kháng cáo), bạn có thể cho đó là một tình huống không may của mình và tìm cách khéo léo từ chối vì ít nhiều bạn sẽ bị gián tiếp dính vào việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà khi bị phát hiện nó có thể ảnh hưởng đến việc hành nghề luật sư của bạn.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.