Trốn Thuế Hay Tránh Thuế

Nếu có thời gian đọc báo, xem truyền hình trong nước, chúng ta thường đọc, thấy nhiều bài viết, phóng sự đề cập đến các tổ chức này, cá nhân kia bị phát hiện trốn thuế. Tùy theo mức độ nghiêm trọng và số tiền trốn thuế mà họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 161, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 1999 (“BLHS”) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010.

Việc trốn thuế ở Việt Nam thường dưới nhiều hình thức và ở nhiều loại thuế khác nhau. Ví dụ như trường hợp doanh nghiệp (“DN”) mua hàng trong nước thông đồng với DN bán hàng nước ngoài “đao giá” hàng hóa nhập khẩu nhằm trốn thuế nhập khẩu; tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn đầu vào khống (thuế giá trị gia tăng (“GTGT”)); DN không khai báo đầy đủ doanh thu hay khai khống chi phí (thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) hay cá nhân không kê khai thu nhập chịu thuế (thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”)); “đao giá” của hàng hóa mua bán chịu thuế trước bạ (ví dụ như xe hơi hay nhà ở) để giảm thiểu số thuế trước bạ phải đóng.

tron-thue-hay-tranh-thue

Mặc dù luật pháp rất nghiêm khắc đối với hành vi trốn thuế nhưng thực tế cho thấy là việc trốn thuế vẫn diễn ra nhiều, khá phức tạp và khó kiểm soát do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Do đó, mọi người thường có thói quen suy nghĩ là khi có một cá nhân hay tổ chức nào đó mà tìm cách không đóng thuế được xem như có biểu hiện của hành vi trốn thuế và phải bị xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải trong mọi trường hợp đều đúng là như vậy.

Khái niệm “trốn thuế” là rất phổ biến vì hàng ngày chúng ta đều nghe về nó nhưng khái niệm “tránh thuế” thì lại còn khá mới mẻ vì chỉ mới du nhập vào Việt Nam khi mà các công ty luật và kiểm toán nước ngoài bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn thuế tại Việt Nam từ khoảng năm 1994 trở về đây. Nhìn ra bên ngoài Việt Nam, trên báo điện tử Vnexpress ngày 22/12/2009 có nêu một vụ “tránh thuế” khá hay đó là trường hợp lách luật tránh thuế hợp pháp của Google ở Anh. Theo đó, doanh thu từ quảng cáo tại Anh của Google trong năm 2008 đạt 1,6 tỷ bảng và đáng lẽ Google phải đóng thuế TNDN 450 triệu bảng Anh nhưng thực tế Google không phải đóng mà chỉ đóng một khoản khiêm tốn là 141.519 bảng Anh cho một số loại thuế khác vì Google lách luật thành công qua việc chọn đặt trụ sở chính Văn phòng châu Âu của họ ở Dublin, Ireland thay vì ở Anh và do đó doanh thu từ hoạt động quảng cáo tại Anh được đưa về Ireland để chịu thuế ở mức thuế thấp (từ 12,8 đến 15%) thay vì phải bị đóng thuế khá cao (từ 28% đến 30%) ở Anh. Điều thú vị là cơ quan thuế của Anh không thể làm gì được do những gì Google làm là “tránh thuế” hợp pháp chứ không phải “trốn thuế” và do đó họ không làm sai luật của Anh nên không thể bị chế tài[1].

Như vậy, trong khi “trốn thuế” là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn “tránh thuế” hợp pháp là nhờ đối tượng nộp thuế am hiểu rõ về pháp luật thuế và vận dụng tốt các kỹ thuật thuế và kế toán hợp pháp để giảm thiểu các khoản thuế phải đóng nên việc tránh thuế như vậy là hoàn toàn hợp pháp, không trái với các quy định pháp luật.

Sau đây là một số phương thức điển hình của trường hợp “tránh thuế” hợp pháp theo các quy định của pháp luật thuế của Việt Nam để chúng ta có cái nhìn toàn diện về những ích lợi của việc ứng dụng “tránh thuế” hợp pháp trong việc giảm thiểu chi phí hoạt động kinh doanh của DN.

Trong lĩnh vực thuế TNDN thì có thể là: (i) đăng ký trích khấu hao nhanh tài sản cố định trong trường hợp DN dự kiến có lãi nhiều hay ngược lại đăng ký trích khấu hao chậm nếu đang trong thời gian được ưu đãi miễn giảm thuế TNDN; (ii) chọn đăng ký phương thức khấu hao thích hợp tùy theo dự kiến DN sẽ có lãi hay bị lỗ (phương thức đường thẳng; theo số dư giảm dần có điều chỉnh; hay theo số lượng, khối lượng sản phẩm); (iii) đăng ký chuyển lỗ trong vòng 05 năm vào những năm tài chính mà DN dự kiến sẽ có lãi lớn để dùng số lỗ đó giảm thu nhập chịu thuế; hay (iv) DN đi vay tiền chịu lãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đưa tiền lãi đó vào chi phí để giảm thu nhập chịu thuế thay vì yêu cầu cổ đông, thành viên góp vốn tự đi vay tiền để góp vốn điều lệ (tiền lãi từ tiền vay phục vụ cho việc góp vốn vào DN không được xem là chi phí hợp lý[2]).

Trong lĩnh vực thuế nhập khẩu thì có thể là nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ những nước có ký các hiệp định về ưu đãi thuế quan với Việt Nam (chẳng hạn như Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của các nước Asean-CEPT) để được hưởng mức thuế suất thấp.

Trong lĩnh vực thuế nhà thầu thì có thể là: (i) chọn lựa giữa việc đăng ký thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (đăng ký, kê khai và trả thuế trên doanh thu thực nhận và chi phí thực tế phát sinh) hay không đăng ký thực hiện chế độ kế toán Việt Nam (đăng ký, kê khai và trả thuế theo phương thức khoán trên doanh thu theo hợp đồng); (ii) ký hợp đồng dịch vụ với những công ty là đối tượng cư trú ở

tron-thue-hay-tranh-thue-2

những nước mà có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần (“HĐTĐTHL”) với Việt Nam mà theo nội dung của các HĐTĐTHL đó công ty dịch vụ đó, trong một số trường hợp, có thể được hưởng thuế suất thấp hơn và lẽ đương nhiên là sẽ giảm giá mua bán hàng hóa/dịch vụ với DN;

Trong lĩnh vực thuế trước bạ thường là trong việc “chạy thuế”, tức là mua trước hay m

ua sau một mốc thời gian quan trọng nhất định đối với một số loại hàng hóa hay dịch vụ (ví dụ như thời điểm 31/12/2009

đối với xe hơi[3]) để tận dụng việc tăng hay giảm của mức thuế trước bạ dành cho loại hàng hóa hay dịch vụ đó.

Gần đây, Luật Thuế TNCN ban hành cũng có nhiều cách để “tránh thuế” hợp pháp. Một

số cách thức phổ biến là: (i) chọn đối tượng nộp thuế là vợ hoặc chồng tùy theo thu nhập cao thấp của từng người trong việc kê khai giảm trừ gia cảnh đối với số người phụ thuộc trong gia đình nhằm mục đích giảm số thuế phải trả; (ii) DN không trả lương cho các cổ đông cá nhân tham gia hoạt động quản lý DN (thuế suất tối đa đối với tiền lương, tiền công chịu thuế TNCN ở mức 35%) để cổ đông nhận được cổ tức cao hơn (DN chỉ đóng thuế thuế TNDN 25% trên thu nhập trước thuế và cổ đông cá nhân đóng 5% thuế TNCN trên cổ tức nhận được[4]).

Như vậy, trong quá trình tìm kiếm các giải pháp khả thi để giảm thiểu chi phí nhằm đối phó với tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, ngoài việc xem xét việc giảm lương, giảm giờ làm, giảm thiểu các chi phí không cần thiết, thương lượng giảm giá hàng hóa/dịch vụ với các nhà cung cấp, thanh lý các tài sản không cần thiết v.v. thì DN cũng nên chú ý đến việc xem xét các biện pháp “tránh thuế” hợp pháp mà luật pháp cho phép để giảm thiểu chi phí. Nếu chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ về thuế, kế toán chưa vững hay thì chủ DN có thể nhờ các công ty luật, công ty kiểm toán có kinh nghiệm tư vấn giúp đở để đạt được mục đích như mong muốn mà không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành.

Trong hoạt động doanh nghiệp, chắc hẳn Thuế luôn là vấn đề khiến nhiều người quan tâm, Nếu bạn cần tìm Luật Sư Tư Vấn Thuế xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến số: +84 (28) 3622 3522 hoặc email cho chúng tôi tại: info@phuoc-associates.com các Luật sư của chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về Thuế

Ls Nguyễn Hữu Phước – Công ty Phước & Các Đồng Sự

[1] http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Quoc-te/2009/12/3BA16F4B/

[2] Điều 9.2 (e) của Nghị định 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/12/2008 và Điều 2.15, Mục IV, Phần C của Thông tư 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

[3] Điều 1.4 của Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4/2009 bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với DN.

[4] Điều 23.2 (a) của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007