Lao Động Thời Vụ Và Những Điều Không Thể Không Biết
- Những điều người lao động thời vụ quan tâm ở đây là gì?
Hiện nay, lao động thời vụ ngày càng xuất hiện nhiều và phổ biến trên thị trường Việt Nam do nhu cầu đáp ứng và giải quyết cấp bách một công việc nhất định trong thời gian ngắn hạn. Chính vì vậy, bên cạnh hợp đồng lao động có xác định thời hạn và không xác định thời hạn, pháp luật lao động Việt Nam cũng có quy định về loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu nói trên của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, do bản chất quan hệ lao động được xác định trên hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn ngắn, nên các chế độ liên quan đến lao động thời vụ sẽ có phần khác biệt so với những người lao động thông thường làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Do đó, khi ký kết hợp đồng lao động mùa vụ, lao động thời vụ cần biết và quan tâm những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình, ví dụ như thử việc, mức lương trong thời gian thử việc, thuế thu nhập cá nhân, ngày nghỉ hàng năm, chế độ bảo hiểm xã hội cũng như các vấn đề liên quan khi chấm dứt hợp đồng lao động này v.v.
- Cách tính thuế đối với người lao động thời vụ ra sao?
Căn cứ Điều 25.1(b.1) và Điều 25.1(i) của Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013, đối với người lao động (là cá nhân cư trú) trong trường hợp ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp người lao động ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên ở nhiều nơi.
Ngược lại, trong trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng thì người sử dụng lao động phải khấu trừ thuế 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động. Trong trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động làm cam kết gửi người sử dụng lao động để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
- Những điều cần lưu ý trong hợp đồng của người lao động thời vụ là gì?
Mặc dù hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn ngắn, nhưng hợp đồng lao động mùa vụ cũng sẽ phải đảm bảo có đầy đủ các nội dung cơ bản một hợp đồng lao động theo Điều 23 của Bộ luật Lao động (ví dụ như công việc phải làm, lương, nơi làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội v.v).
- Có những điều kiện nào cần chú ý trong hợp đồng đối với người lao động thời vụ hay không?
Theo Điều 22.3 của Bộ luật Lao động, cần lưu ý không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
- Đối với người lao động thời vụ thì có được đóng Bảo Hiểm Xã Hội hay không?
Căn cứ Điều 2.1 (b) và Điều 124.1 Luật Bảo hiểm Xã hội, kể từ ngày 01/01/2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ có thời hạn từ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm Xã hội theo quy định của pháp luật.
- Đối với người lao động thời vụ có cần phải có thời gian thử việc hay không?
Căn cứ Điều 26.2 của Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc. Hơn nữa, nếu ký hợp đồng thử việc với người lao động thời vụ, người sử dụng lao động có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 02 triệu đồng và buộc phải trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động theo quy định tại Điều 3, 6.1 (a) và 6.3 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
- Điều gì cần lưu ý khi người lao động/người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Đối với hợp đồng thời vụ, người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ đúng các lý do chấm dứt, quy định về thời hạn báo trước và chi trả các khoản liên quan đến quyền lợi của hai bên cho nhau theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Bộ luật Lao động. Trong đó, thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với cả người lao động và người sử dụng lao động là 03 ngày làm việc, trừ trường hợp người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Ngoài ra, vì thời hạn của hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn dưới 12 tháng nên khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động thời vụ sẽ không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc/ trợ cấp mất việc làm cho khoảng thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) theo quy định tại Điều 48 và 49 của Bộ luật Lao động.
- Doanh nghiệp được phép ký kết hợp đồng thời vụ tối đa bao nhiêu lần?
Pháp luật lao động không cho phép ký kết hợp đồng mùa vụ cho công việc có tính chất thường xuyên trên 12 tháng. Vì vậy, việc ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc cho công việc có thời hạn dưới 12 tháng nhưng sau đó tái ký liên tục cho cùng một loại hợp đồng lao động có thể được xem là công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên và vi phạm nguyên tắc nói trên. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm rằng, quy định của pháp luật lao động hiện nay chưa có hướng dẫn như thế nào là “công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên”. Tuy nhiên, ở góc độ của các cơ quan quản lý lao động địa phương, họ thường xem xét công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên là công việc được làm từ ngày này qua ngày khác mà không bị gián đoạn và không phân biệt vào vị trí và chuyên môn của công việc.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về lao động và việc làm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 3622 3522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-associates.com