Cấp Dưỡng Cho Con Chung Khi Chưa Đăng Ký Kết Hôn Sẽ Như Thế Nào

(Nguyễn Thị Hồng Nhung & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)

Quan hệ tình dục trước hôn nhân không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội ta ngày nay, điều này kéo theo tỷ lệ có con trước khi đăng ký kết hôn ngày càng tăng. Nếu đã có con, hai bên có thể đăng ký kết hôn để trở thành vợ chồng hợp pháp và cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chung. Tuy nhiên, trên thực tế viễn cảnh tốt đẹp này nhiều khi không xảy ra và tệ hơn nữa là một trong hai người không muốn nhận và chu cấp cho con hay mức chu cấp quá thấp khiến cuộc sống của người trực tiếp nuôi con và con chung vô cùng khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, làm sao để yêu cầu mức cấp dưỡng hợp lý để bảo vệ tốt nhất lợi ích của con chung là điều cần được quan tâm.

Có yêu cầu cấp dưỡng được hay không?

Câu hỏi đặt ra là liệu người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người còn lại cấp dưỡng cho con chung khi cả hai chưa đăng ký kết hôn hay không? Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (“Luật HN&GĐ”), nghĩa vụ cấp dưỡng của một người chỉ xảy ra với người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng[1]. Khi nam nữ chưa đăng ký kết hôn, dù họ sống chung với nhau như vợ chồng, thì mối quan hệ của họ vẫn chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, vì vậy, con chung của họ sinh ra tuy có quan hệ huyết thống nhưng vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý nên để có thể yêu cầu người còn lạithực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, trước tiên, người trực tiếp nuôi con chung cần phải thực hiện thủ tục xác nhận cha mẹ cho con.

Nếu cả cha và mẹ đều chịu nhận con chung thì thật dễ dàng. Cha hoặc mẹ chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký xác nhận cha mẹ cho con tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định, mối quan hệ cha mẹ con đã được pháp luật công nhận, lúc này, người trực tiếp nuôi con chung hoàn toàn có quyền yêu cầu người còn lại cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu một trong hai người không muốn nhận con? Theo quy định tại Điều 101.2 của Luật HN&GĐ, người cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi con chung có thể nộp hồ sơ đăng ký xác nhận cha mẹ con tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người không trực tiếp nuôi con có địa chỉ thường trú để yêu cầu giải quyết. Khi đó, để xác định quan hệ cha mẹ con, Tòa án có thể yêu cầu các bên giám định ADN. Sau khi Tòa án công nhận mối quan hệ cha mẹ con thông qua bản án hoặc quyết định thì người trực tiếp nuôi con chung mới có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con.

Vậy nếu cha hoặc mẹ lại là người nước ngoài bỏ về nước thì làm sao để yêu cầu cấp dưỡng được? Trong tình huống này, người trực tiếp nuôi con chung có thể nộp hồ sơ xin xác định cha mẹ con tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người cha hoặc mẹ là người nước ngoài cư trú, làm việc tại Việt Nam. Khi đó, để chứng minh mối quan hệ cha mẹ con, người trực tiếp nuôi con chung cần cung cấp các chứng cứ như: giấy tờ, đồ vật, tin nhắn điện thoại, các bản ghi âm, ghi hình, hình ảnh, video,… để Tòa án có căn cứ để giải quyết. Sau khi Tòa án đã công nhận mối quan hệ cha mẹ con, người trực tiếp nuôi con chung sẽ nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng cho con theo quy định. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng với những quốc gia mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp, việc thi hành án có thể sẽ gặp khó khăn nếu cha hoặc mẹ là người nước ngoài không có mặt tại Việt Nam hoặc không có tài sản ở Việt Nam. Do đó, để đảm bảo việc thi hành án là khả thi, người trực tiếp nuôi con chung cần xác định rõ tài sản ở Việt Nam của người cha hoặc mẹ là người nước ngoài (nếu có) để Tòa án có thể áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Ngoài ra, người trực tiếp nuôi con chung cũng có thể khởi kiện tại Tòa án ở quốc gia mà người cha hoặc mẹ là người nước ngoài đang cư trú hoặc ủy quyền cho người thân ở quốc gia đó khởi kiện để yêu cầu cấp dưỡng cho con chung.

Cấp dưỡng 5 triệu/tháng có được hay không?

Dù cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con chung vẫn có đầy đủ các quyền của mình, trong đó có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Trên thực tế có rất ít trẻ có đầy đủ các quyền nêu trên khi không sống chung với cha mẹ. Nếu có thì người trực tiếp nuôi con chung phải vất vả làm việc, vì chi phí nuôi con quá lớn. Do đó, suy cho cùng, mục đích của việc yêu cầu người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng cho con là để cho trẻ được hưởng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Pháp luật luôn khuyến khích các bên có thể tự thỏa thuận mức cấp dưỡng làm sao mà phù hợp dựa vào khả năng thu nhập của người cấp dưỡng và nhu cầu thực tế của trẻ. Nếu cha và mẹ có thể tự thỏa thuận thì thật tuyệt vời, nhưng nếu mức cấp dưỡng đưa ra quá thấp dẫn đến việc không thể thỏa thuận được, người trực tiếp nuôi con chung có thể nhờ Tòa án giải quyết.

Cho đến nay, chưa có văn bản nào trong tất cả các văn bản pháp luật quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu, cũng như không có mức tối đa và tối thiểu, cho nên Tòa án sẽ xem xét dựa vào mức thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Ví dụ: Người cha là người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thu nhập 100 triệu/tháng. Nếu người cha đưa ra mức cấp dưỡng cho con chung là 5 triệu/tháng và người mẹ chứng minh được là mức cấp dưỡng này chưa đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con chung như ăn uống, quần áo, nhà ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và các nhu cầu sinh hoạt thông thường khác, thì đương nhiên mức cấp dưỡng này là không phù hợp. Lúc này, Tòa án sẽ đưa ra mức cấp dưỡng mới dựa vào thu nhập thường xuyên từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ các tài sản khác của người cha (nếu có), chẳng hạn như tiền thu từ nhà, đất cho thuê, lãi tiền tiết kiệm ngân hàng,… cũng như xem xét liệu người cha còn đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nào khác hay không. Do vậy, để có thể yêu cầu mức cấp dưỡng cho con chung cao hơn, người mẹ cần chủ động tìm kiếm các chứng cứ chứng minh nguồn thu nhập khác của người cha, thông qua việc tìm hiểu thông tin từ những người xung quanh khu vực người cha đang sinh sống để biết người cha có nguồn thu nhập từ nhà, đất cho thuê gì hay không hoặc đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về số tiền gửi ngân hàng để chứng minh tài sản hiện có của người cha.

Ngoài ra, Tòa án còn căn cứ vào mức sinh hoạt của từng địa phương để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý. Bởi lẽ, chi phí sinh hoạt cho từng vùng miền là rất khác nhau, chẳng hạn như chi phí nhà ở, khám chữa bệnh, chi phí ăn uống, học tập, vui chơi, giải trí,… cho một đứa trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cao hơn rất nhiều so với những chi phí đó cho một đứa trẻ ở vùng nông thôn. Mức cấp dưỡng cuối cùng là mức có thể đảm bảo những quyền lợi tối thiểu của trẻ được duy trì đầy đủ, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ. Khi Tòa án đã đưa ra mức cấp dưỡng cụ thể, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, các bên vẫn có quyền yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng đó. Do đó, người mẹ có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế của con chung qua từng thời kỳ để yêu cầu tăng mức cấp dưỡng, vì càng lớn thì con chung càng cần mức cấp dưỡng cao hơn do nhu cầu ăn uống và học hành tăng theo nhu cầu thực tế cuộc sống.

Bên cạnh nghĩa vụ cấp dưỡng, người không trực tiếp nuôi con còn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con chưa thành niên mà không ai có quyền ngăn cản, tuy nhiên, không được lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người trực tiếp nuôi con chung.

Cấp dưỡng có bắt buộc hay không?

Theo quy định của Luật HN&GĐ, nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc, không thể chuyển giao cho người khác và không thể thay thế bằng các nghĩa vụ khác[2]. Do đó, người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng cho con chung, không được chuyển giao nghĩa vụ này cho ông, bà, cha, mẹ, anh, chị,… thực hiện, cũng như không được sử dụng các nghĩa vụ như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm để thay thế. Nếu cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, năm, thì việc cấp dưỡng sẽ kéo dài cho đến khi có một trong những trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng sau đây: (i) con chung đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; (ii) con chung được người khác nhận làm con nuôi; (iii) người có nghĩa vụ cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi con chung; hoặc (iv) người có nghĩa vụ cấp dưỡng chết hoặc con chung chết. Đối với trường hợp cấp dưỡng một lần, nghĩa vụ này sẽ chấm dứt ngay sau khi cấp dưỡng, số tiền cấp dưỡng sẽ tính từ thời điểm yêu cầu cho đến khi con chung đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, không thiếu trường hợp người không trực tiếp nuôi conkhông chịu cấp dưỡng cho con và việc đòi cấp dưỡng thật không dễ dàng nếu người đó cố tình trốn tránh nghĩa vụ.

Chế tài khi không cấp dưỡng nuôi con

Mới đây, chuyện tình cảm của nam ca sĩ nổi tiếng cùng mức cấp dưỡng ít ỏi cho con chung so với mức thu nhập “khủng” của anh ấy đã dấy lên nhiều tranh luận trong công chúng. Trước đó, nhiều nam ca sĩ, nghệ sĩ đã trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung sau khi ly hôn cũng khiến dư luận bức xúc lên tiếng vì sự vô trách nhiệm đối với con. Quả thật, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng diễn ra rất nhiều trên thực tế, mặc dù việc xử phạt đối với hành vi này được quy định đầy đủ trong các văn bản pháp luật, song mức phạt vẫn khá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể, theo mức phạt hiện nay của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, khi người không trực tiếp nuôi contừ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng[3]. Mức phạt này là quá nhẹ, bởi vì rất nhiều trường hợp mức cấp dưỡng một tháng cho con chung có thể nhiều hơn gấp hai hoặc gấp ba lần mức phạt nêu trên, nên nhiều cha mẹ dù biết có thể bị xử phạt thì vẫn cố tình không cấp dưỡng cho con. Để khắc phục thực tế đó, mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nâng mức phạt dành cho hành vi trốn tránh cấp dưỡng lên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng, đồng thời còn bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định, nhằm làm giảm tình trạng trốn tránh cấp dưỡng hiện nay.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, người không trực tiếp nuôi con còn có thể chịu trách nhiệm hình sự. Nếu người đó có khả năng cấp dưỡng, nhưng lại nêu lý do không có khả năng nên không thể thực hiện nghĩa vụ, hoặc trốn tránh, giấu địa chỉ để người trực tiếp nuôi con không thể liên lạc được, làm cho con chung bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm[4].

Khi đã có bản án hoặc quyết định của Tòa án mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn không chịu cấp dưỡng cho con thì người trực tiếp nuôi con chung có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ của mình, bằng cách nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng cho con tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người đó vẫn không cấp dưỡng cho con chung thì cơ quan thi hành án sẽ liên hệ với công ty nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang làm việc để trích một phần thu nhập từ tiền lương, tiền công của người đó. Số tiền tối đa được trích có thể bằng 30% tổng số tiền lương, tiền công hàng tháng của người đó. Bên cạnh đó, người trực tiếp nuôi con có thể chủ động cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin về tài sản của người phải thi hành án để cơ quan thi hành án có thể tiến hành kê biên tài sản. Nếu tài sản kê biên quá lớn so với mức cấp dưỡng hằng tháng, người trực tiếp nuôi con có thể đề xuất nhận đủ số tiền cấp dưỡng một lần cho những năm được cấp dưỡng.

Hơn nữa, người phải thi hành án theo quyết định hoặc bản án của Tòa án có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội không chấp hành án”, khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế mà vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ, thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm[5]. Nếu người đó chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ thì mức phạt tù là từ 02 năm đến 05 năm[6]. Không những thế, người có nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 380.3 của Bộ luật Hình sự 2015.

 “Cấp dưỡng nuôi con” và “thăm con” là “nghĩa vụ chăm sóc tối thiểu” của cha mẹ

Tất cả trẻ em đều xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ cha mẹ. Điều này vẫn đúng đối với trẻ không thể sống chung với cha và mẹ. Nhiều cha mẹ vẫn tiếp tục đấu tranh về tiền cấp dưỡng cho con khi không thể sống chung. Nhiều cha mẹ hoàn toàn biến mất trong cuộc sống của con hay không hề thăm hỏi con dù chỉ một lần, điều đó vô tình làm tổn thương trẻ. Mà đôi khi, sự tổn thương đó còn nhiều hơn sự tổn thương vì cha mẹ chia cắt.

Xét trên phương diện đạo đức và pháp luật, cha mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn là cha mẹ và trách nhiệm nuôi dạy con chung là trách nhiệm của cha mẹ. Mặc dù không cùng nhau trực tiếp nuôi con, nhưng cả cha và mẹ đều phải yêu thương, quan tâm, chăm sóc con. Thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ về tài chính là cách để thể hiện tình yêu thương khi không thể bên cạnh con để đứa trẻ có thể được hưởng những nhu cầu thiết yếu như những đứa trẻ khác.

Bài viết trên được soạn thảo dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật cũng như kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Nếu bạn thấy bài viết trên là hữu ích cho bạn, xin ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào webiste của Công ty luật Phuoc & Partners www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái.


[1] Điều 3.24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[2] Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 54.2 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

[4] Điều 1.37 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

[5] Điều 380.1 Bộ luật Hình sự 2015.

[6] Điều 380.2 Bộ luật Hình sự 2015.