Theo quy định của Luật BHXH, NLĐ nào đang làm việc theo hợp đồng thử việc thì sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc[327]. Bên cạnh đó, NLĐ nào đang làm việc theo hợp đồng thử việc cũng không thuộc đối tượng tham gia BHTN bắt buộc [328]. Ngoài ra, BLLĐ cũng quy định nội dung của hợp đồng thử việc sẽ không bao gồm quy định về BHXH và BHYT như đối với nội dung của HĐLĐ[329]. Như vậy, NLĐ nào đang trong thời gian thử việc sẽ không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một số trường hợp NSDLĐ đã đưa cả thời gian thử việc vào HĐLĐ sau khi NLĐ đã hoàn thành thời gian thử việc và được nhận vào làm việc chính thức trong doanh nghiệp. Để có căn cứ giải quyết việc đóng BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc cho NLĐ trong trường hợp đó, Quyết định 2777/QĐ-BHXH ngày 31/12/2015 có thể tham khảo, trong đó có quy định việc NLĐ có thời gian thử việc được ghi trong HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà hợp đồng đó thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc thì NSDLĐ và NLĐ phải đóng BHXH, BHYT và BHTN cho cả thời gian thử việc. Như vậy, việc đóng BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc sẽ được thực hiện như sau:
- Nếu hợp đồng thử việc tách rời khỏi HĐLĐ, tức là thời gian thử việc của NLĐ không được ghi vào HĐLĐ thì thời gian thử việc sẽ được thực hiện theo hợp đồng thử việc và khi đó NLĐ không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì NSDLĐ phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ trong thời gian thử việc một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức đóng BHXH[330]; và
- Nếu thời gian thử việc được ghi trong HĐLĐ mà không phải là một hợp đồng thử việc tách rời với HĐLĐ thì thời gian thử việc của NLĐ vẫn phải đóng BHXH, BHYT và BHTN.
[327] Điều 2.1 Luật BHXH
[328] Điều 43.1 Luật Việc làm 2013
[329] Điều 26.1 và Điều 23.1.(i) BLLĐ
[330] Điều 168.3 BLLĐ