Câu hỏi 113. Các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có bắt buộc phải nằm trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh không? Hay chỉ cần nằm trong danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thực tế trong doanh nghiệp mà NLĐ có làm các nghề, công việc đó?

1. Tiêu chuẩn để xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1.1 Tiêu chuẩn về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật phải khớp với các những ngành nghề kinh doanh đã đăng ký của doanh nghiệp.

Ví dụ:

  • Doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nghề kinh doanh là sản xuất giày dép thì không thể áp công việc “phân loại và xử lý rác thải” thuộc ngành sản xuất ô tô, xe máy theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020 cho doanh nghiệp đó được; và
  • Doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nghề kinh doanh là sản xuất giày dép thì có thể áp công việc “phết keo đế và mũ giày” thuộc ngành sắt tráng men, nhựa, tạp phẩm, da, giày, giấy, gỗ, diêm theo quy định tại mục IX.29 của Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020.

1.2 Tiêu chuẩn về chức danh, công việc

Chức danh, công việc của NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải trùng khớp với các công việc được nêu trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, trong danh sách NLĐ tham gia BHXH, BHYT khi thực hiện việc đăng ký phải kê khai đầy đủ chức danh, công việc theo danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà pháp luật quy định và theo hướng dẫn chi tiết của cơ quan bảo hiểm có thẩm quyền vì nếu tên chức danh của NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không khớp với tên theo luật định và theo hướng dẫn riêng của cơ quan bảo hiểm thì cơ quan BHXH có thẩm quyền có thể không chấp nhận cho NLĐ được hưởng các chế độ đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi đó, doanh nghiệp lại phải thực hiện thủ tục điều chỉnh tên chức danh cho NLĐ tại cơ quan BHXH để có thể đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

1.3 Tiêu chuẩn về đặc điểm của điều kiện lao động

Điều kiện lao động của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế tại doanh nghiệp phải giống với các điều kiện lao động trong danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: công việc “cán luyện cao su trong sản xuất giày dép” phải có đặc điểm về điều kiện lao động “công việc nặng nhọc, thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, ồn, bụi, khí độc SO2 và H2S” theo quy định tại mục IX.32 của Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020.

Để xác định được tiêu chuẩn về khí hậu, bụi và các nhân tố môi trường khác được dựa trên các văn bản của pháp luật như sau:

  • Tiêu chuẩn về nồng độ bụi trong không khí: Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2012;
  • Tiêu chuẩn về chỉ số chất độc hại trong không khí: QCVN 06: 2009/BTNMT;
  • Tiêu chuẩn rung cho phép: Thông tư 27/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 30/06/2016;
  • Tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép: Thông tư 24/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 30/06/2016; và
  • Tiêu chuẩn khí hậu cho phép: Thông tư 26/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 30/06/2016.

Lưu ý: các Thông tư này có thể bị thay đổi theo thời gian, do đó cần kiểm tra tính hiệu lực của các Thông tư này khi muốn áp dụng.

Đối với yếu tố nguy hiểm, có hại nêu trên đã được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để hạn chế tác hại đối với sức khỏe NLĐ thì NSDLĐ phải thực hiện quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một năm một lần thông qua việc thuê đơn vị tổ chức có chức năng kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường lao động và có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo luật định thực hiện.

Nếu sau khi tra cứu tất cả danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được liệt kê tại các văn bản pháp luật do Bộ LĐTBXH ban hành mà không tìm được công việc phù hợp với ngành nghề kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trên thực tế có thực hiện những công việc này nhưng lại không có trong danh mục và xét thấy cần được bổ sung để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ thì NSDLĐ phải tiến hành soạn thảo công văn gửi cơ quan BHXH có thẩm quyền và Bộ LĐTBXH để được xem xét bổ sung trước khi thực hiện.

2. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại, nguy hiểm

2.1 Điều kiện để NLĐ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật

NLĐ sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi đáp ứng đủ tất cả các điều kiện sau đây:

– Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành. Việc xác định NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo các tiêu chuẩn nêu trên; và

– Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định NLĐ đang làm việc trong môi trường có các yếu tố nguy hiểm, độc hại hay không sẽ được dựa vào kết quả quan trắc môi trường lao động do đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định thực hiện.

Việc bồi dưỡng bằng hiện vật này là quyền lợi mà NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng nhằm bù đắp một phần nào những khó khăn cũng như thiệt hại mà NLĐ gánh phải trong quá trình lao động tại doanh nghiệp, đồng thời khích lệ và động viên NLĐ tiếp tục làm tốt công việc của mình để giữ vững năng suất lao động. Do đó, để đảm bảo cho NLĐ có được những quyền lợi mà họ được hưởng, NSDLĐ cần thường xuyên thực hiện việc quan trắc môi trường lao động nếu doanh nghiệp có NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Về mặt nguyên tắc, NSDLĐ phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và VSLĐ để cải thiện điều kiện lao động; khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, độc hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho họ. Khi NSDLĐ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường thiết bị ATLĐ và cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm không còn yếu tố nguy hiểm, độc hại thì dừng thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ [359].

2.2 Mức bồi dưỡng bằng hiện vật

Mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ được tính dựa trên loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong mỗi văn bản pháp luật quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đều có phân loại công việc nào là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cụ thể là loại IV, V, VI. Cùng một ngành nghề có thể vừa có công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV) và vừa có công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V, loại VI), tùy thuộc vào điều kiện làm việc và mức độ nặng nhọc, nguy hiểm của mỗi công việc.


[359] Điều 4.1 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 18/10/2013