Câu hỏi 59: Theo quyết định ly hôn của Tòa án thì vợ hoặc chồng ly hôn sẽ chịu trách nhiệm trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung và người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu sau đó người vợ hoặc chồng chịu trách nhiệm nuôi con lại không đồng ý nhận tiền cấp dưỡng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng vì cho rằng mình có đủ khả năng tài chính để lo cho con nhưng người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn muốn được cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải làm gì để người vợ hoặc chồng chịu trách nhiệm nuôi con phải nhận tiền cấp dưỡng và dùng tiền đó để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung?

Theo quy định, sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận hoặc quyết định, bản án của Tòa án. Quy định này được đặt ra là rất hợp tình, hợp lý, phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa của Việt Nam, bởi lẽ, dù cha, mẹ đã ly hôn thì con cái vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với cha, mẹ của mình[1], và ngược lại, khi con cái còn chưa tự nuôi sống mình được thì dù đã ly hôn cha, mẹ vẫn có nghĩa vụ và quyền đối với con mình theo luật định.

Các vụ án ly hôn thường xảy ra tình trạng người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh trách nhiệm của mình. Đối với những trường hợp này, thông thường vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con sẽ thông qua cơ quan thi hành án để buộc vợ hoặc chồng kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người trốn tránh có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay cũng không hiếm tình huống người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng mong muốn và đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng người trực tiếp nuôi con, vì nguyên nhân nào đó, thường là từ cảm xúc, không muốn nhận tiền cấp dưỡng từ người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Trong trường hợp trên, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể chủ động nộp đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án để yêu cầu tổ chức thi hành bản án thi hành quyết định của Tòa án về cấp dưỡng[3]. Sau khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể tự nguyện nộp tiền cấp dưỡng cho cơ quan thi hành án. Thực tiễn thi hành án tại một số nơi cho thấy, cơ quan thi hành án sẽ triệu tập người đang trực tiếp nuôi con đến nhận tiền cấp dưỡng; nếu người đó không đến cơ quan thi hành án nhận tiền thì chấp hành viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức vận động người đó nhận tiền để bảo đảm tốt nhất điều kiện sống của con. Trong trường hợp người đang trực tiếp nuôi con vẫn không nhận tiền, chấp hành viên sẽ gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và trong thời hạn 05 năm kể từ ngày gửi thông báo nhận tiền cấp dưỡng, chấp hành viên sẽ nộp tiền cấp dưỡng vào ngân sách Nhà nước nếu người đang trực tiếp nuôi con không nhận tiền cấp dưỡng[4].

Ở đây, theo quan điểm của các tác giả, bên trực tiếp nuôi con nên nhận tiền cấp dưỡng để bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho con cũng như sự phát triển tâm lý tốt nhất của con. Đối với bên có nghĩa vụ cấp dưỡng, trong trường hợp nhận thấy mình bị từ chối thì có thể không cần chủ động nộp đơn yêu cầu thi hành án như phân tích bên trên nữa. Thay vào đó, bên có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể thực hiện một hành vi khác đó là tặng tiền cho con và chỉ định một người khác quản lý số tiền đó[7]. Đây sẽ là tài sản riêng của con và riêng trong trường hợp con chưa thành niên khi từ đủ 15 tuổi trở lên sẽ có quyền quyết định đối với tài sản riêng đối với một số trường hợp theo quy định của Bộ luật Dân sự[8] mà không cần có sự can thiệp của người cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng.


[1] Điều 39.1 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.5 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014.

[4] Điều 47.5, Điều 126.2 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.20 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014, Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

[7] Điều 76.3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[8] Điều 21.4 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.