Theo quy định tại Điều 148 BLLĐ, NLĐ cao tuổi có quyền thỏa thuận với NSDLĐ về việc hoặc là rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày (vẫn được hưởng nguyên lương) hoặc là áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (chỉ được trả tiền lương cho thời gian làm việc thực tế) tùy theo tình hình sức khỏe của NLĐ. Như vậy, có thể hiểu rằng đây là quyền (chứ không phải là quyền đương nhiên) của NLĐ chứ không phải là nghĩa vụ đương nhiên của NSDLĐ và nếu NLĐ có yêu cầu thì NSDLĐ phải đáp ứng việc thương lượng và ngược lại nếu như NLĐ không có yêu cầu thỏa thuận rút ngắn thời giờ làm việc thì NSDLĐ vẫn có thể tiếp tục áp dụng thời giờ làm việc bình thường cho NLĐ cao tuổi đó. Điều này nhằm tạo cơ hội được tiếp tục làm việc cho NLĐ cao tuổi.
Tuy nhiên, chưa thấy có hướng dẫn cách giải quyết trong trường hợp việc thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ không thành do các bên không thể xác định được số giờ rút ngắn phải là bao nhiêu cho hợp lý và việc rút ngắn đó sẽ được xem là rút ngắn thời giờ làm việc được hưởng nguyên lương hay áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian mà chỉ được trả tiền lương cho thời gian làm việc thực tế mà thôi. Trong trường hợp như vậy, có thể suy luận là NLĐ buộc phải tiếp tục làm việc như bình thường theo quy định trong HĐLĐ, NQLĐ và TƯLĐTT (nếu có) của doanh nghiệp hay yêu cầu tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (nếu có) hỗ trợ NLĐ tham gia thương lượng với NSDLĐ hay có thể khiếu nại lên cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền.