Làm sao để GDP Việt Nam tăng trưởng hai con số ?

Làm sao để GDP Việt Nam tăng trưởng hai con số ?

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners)

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt điều này, cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP từ 7–8% trong thời gian dài, thậm chí lên tới hai con số trong giai đoạn thiết lập nền tảng thể chế và hạ tầng. Nhiều người và tổ chức có kinh nghiệm về sự tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quá khứ đã tỏ ra hoài nghi về mục tiêu quá lớn này của Chính phủ trong khi Chính phủ thì vẫn hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu này và thống kê 6 tháng đầu năm 2025 đã cho thấy mục tiêu ban đầu sắp đạt được với tỷ lệ 7.52% tăng.

Để thực hiện được mục tiêu khó khăn này, Chính phủ cần đồng bộ nhiều trụ cột chiến lược cùng các cải cách nền tảng, kết hợp linh hoạt giữa năng lực thị trường, điều hành thể chế và hội nhập quốc tế sâu rộng như bên dưới.

Các trụ cột chiến lược

Thứ nhất, kinh tế phi chính thức hiện chiếm tới 20–30% GDP, góp phần lớn vào tạo việc làm và tiêu dùng nội địa nhưng lại chưa được thống kê đầy đủ và chưa đóng góp tương xứng vào ngân sách Nhà nước. Việc hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp chính thức, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, miễn giảm thuế, và hỗ trợ kỹ năng kinh doanh sẽ giúp khu vực này trở thành động lực mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là tâm lý e ngại bị kiểm soát, tâm lý sợ tăng chi phí và sự thiếu niềm tin vào hệ thống pháp lý. Do đó, Chinh phủ cần chiến lược truyền thông rõ ràng, đảm bảo sự đồng hành và ưu đãi hợp lý cho các chủ thể trong giai đoạn chuyển đổi.

Thứ hai, kinh tế đêm tại Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, chủ yếu phát triển tự phát và chưa có định hướng rõ ràng từ các cấp chính quyền. Nếu được quy hoạch bài bản, kết hợp yếu tố văn hóa – du lịch – an ninh – giao thông – vệ sinh môi trường, các khu kinh tế đêm có thể tạo thêm 1–2% tăng trưởng GDP hàng năm tại các đô thị lớn. Thách thức lớn ở đây nằm ở tư duy quản lý hành chính và sự thiếu thống nhất giữa các sở ban ngành. Do đó, cần xây dựng khung pháp lý riêng cho mô hình kinh tế đêm, áp dụng cơ chế thử nghiệm (sandbox), và thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả.

Thứ ba, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, và đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao là điều kiện bắt buộc để Việt Nam thoát bẫy giá trị gia tăng thấp. Việt Nam cần ưu tiên các lĩnh vực như sản xuất bán dẫn, thiết bị điện tử, công nghiệp y tế, xe điện, và năng lượng tái tạo. Việc thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào sản xuất chip, xây dựng khu công nghiệp chuyên dụng, và liên kết với doanh nghiệp nội địa sẽ giúp nâng tầm nền kinh tế. Song song đó, phát triển các trung tâm tài chính quốc tế (ví dụ như ở TP.HCM và Đà Nẵng) và khu vực phi thuế quan hiện đại sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh khu vực.

Rào cản lớn nhất ở đây chính là thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực nghiên cứu và làm chủ công nghệ thấp, và cơ chế chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả. Do đó, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào đại học kỹ thuật, xây dựng các trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo quốc gia, và thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư trong nghiên cứu ứng dụng.

Thứ tư, sự gia tăng nhanh chóg của tầng lớp trung lưu cùng với tỷ lệ đô thị hóa cao tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn. Để tận dụng tiềm năng này, Việt Nam cần phát triển mạnh thương mại hiện đại, hệ thống hậu cần nội địa, thanh toán không tiền mặt, và các nền tảng dịch vụ số phục vụ trực tiếp người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng cần đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ ở vùng nông thôn, triển khai chương trình phổ cập tài chính số và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tận dụng công nghệ trong bán hàng và tiếp thị. Việc nâng cao nhận thức người tiêu dùng cũng là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Thứ năm, năng suất lao động là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn, nhưng hiện Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với các nền kinh tế cùng khu vực. Do đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề, phát triển kỹ năng số, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng của lực lượng lao động. Việc đẩy nhanh áp dụng AI, dữ liệu lớn, tự động hóa trong doanh nghiệp, nhất là khối SMEs, sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu suất vận hành. Thách thức hiện nay chính là doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn đầu tư và thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn số hóa. Nhà nước cần cung cấp tín dụng ưu đãi, chương trình đào tạo trực tuyến và hỗ trợ công nghệ dùng chung cho các doanh nghiệp này.

Thứ 6, FDI vẫn là trụ cột quan trọng của tăng trưởng Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ cần nâng cấp từ “thu hút số lượng” sang “chọn lọc chất lượng”. Cần thiết kế các gói chính sách đầu tư sao cho phù hợp cho các tập đoàn công nghệ cao, đi kèm là điều kiện chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ và chuỗi cung ứng nội địa. Nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ thông qua liên kết đại học – doanh nghiệp, tăng cường nhân lực R&D và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt phát triển.

Thứ 7, lượng kiều hối gửi về Việt Nam ổn định ở mức gần 20 tỉ USD/năm trong những năm gần đây là một nguồn lực lớn cần được khai thác hiệu quả hơn. Không chỉ dừng lại ở tiêu dùng hay bất động sản, dòng tiền này cần được chuyển hóa thành vốn đầu tư sản xuất, công nghệ và khởi nghiệp. Chính phủ cần có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và ổn định để người Việt ở nước ngoài yên tâm đầu tư. Ngoài ra, cần thiết lập các trung tâm hỗ trợ đầu tư kiều bào, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi pháp lý sẽ giúp thu hút dòng vốn này vào khu vực kinh tế chính thức.

Thứ 8, thị trường tài chính cũng cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện đại. Thị trường chứng khoán cần minh bạch và có khả năng huy động vốn dài hạn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tài chính xanh và đầu tư mạo hiểm cũng cần được phát triển đồng bộ. Những yếu kém về thanh khoản, kiểm soát rủi ro và năng lực giám sát thị trường là những rào cản hiện hữu. Giải pháp là cải cách mạnh mẽ cơ quan giám sát, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, số hóa báo cáo tài chính và xử lý nghiêm sai phạm.

Sau cùng, đầu tư công cũng được xem là động lực ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm cầu tư nhân. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc giải ngân và quản lý hiệu quả các dự án đầu tư công. Chinh phủ cần cải cách quy trình quản lý dự án theo hướng trao quyền – chịu trách nhiệm rõ ràng, ứng dụng số hóa để giám sát tiến độ và chất lượng. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) bằng cách hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch hóa chia sẻ rủi ro, và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Mở rộng cải cách nền tảng hỗ trợ các trụ cột

Để các sáng kiến trên thành công, Việt Nam còn cần đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi thường xuyên, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và thân thiện với nhà đầu tư. Hệ thống pháp luật cũng cần được đồng bộ, đơn giản hóa, tăng cường khả năng dự báo và năng lực thực thi. Các quy định liên quan đến kinh tế số, đầu tư công – tư, thương mại điện tử, tiêu chuẩn xuất khẩu như Halal cần được cập nhật phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc chủ động hội nhập hơn thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và các FTA song phương với Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi sẽ mở rộng thị trường, cải thiện tiêu chuẩn sản xuất và thúc đẩy cải cách nội luật. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khai thác mạnh hơn thị trường người Hồi giáo toàn cầu bằng cách đẩy mạnh sản phẩm đạt chuẩn Halal, tham gia các hội chợ thương mại Halal và xây dựng chuỗi cung ứng chuyên biệt.

Chuyển đổi số trong bộ máy Nhà nước cũng là then chốt để giảm chi phí, chống tham nhũng và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Một nền hành chính số hóa, dữ liệu liên thông và quy trình minh bạch sẽ là đòn bẩy quan trọng để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cuối cùng, Việt Nam cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai bằng cách nâng cấp hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai chính thức trong chương trình phổ thông, và lồng ghép kỹ năng công nghệ – đổi mới sáng tạo trong giảng dạy. Song hành, cần đẩy mạnh chiến lược giao thông xanh, chuyển đổi sang xe điện, mở rộng hệ thống sạc, nâng cấp hạ tầng công cộng và lồng ghép yếu tố môi trường vào quy hoạch đô thị.

Tóm lại, tăng trưởng hai con số là biểu hiện của một nền kinh tế năng động, sáng tạo và hội nhập toàn diện. Để hiện thực hóa, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các trụ cột tăng trưởng, cải cách thể chế sâu rộng, đầu tư chiến lược vào nguồn lực con người và hạ tầng hiện đại. Hành trình này sẽ không dễ dàng, nhưng nếu được dẫn dắt bởi tầm nhìn dài hạn và tinh thần hành động quyết liệt, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.