Theo quy định tại Điều 56.2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Điều kiện để Tòa án chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người là mất tích bao gồm[1]:
- Thời hạn biệt tích từ 02 năm liền trở lên. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng; và
- Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của Luật Tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
Chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích thì yêu cầu ly hôn của người vợ, chồng còn lại mới được Tòa án giải quyết. Do đó, trong trường hợp chồng hay vợ bỏ nhà đi đâu mà người còn lại không biết trong một thời gian dài mà chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất tích thì sẽ không được xem là lý do chính đáng để một bên yêu cầu Tòa án cho đơn phương ly hôn.
Trong trường hợp này, để chứng minh được việc người chồng hoặc vợ bỏ đi đáp ứng đủ điều kiện để yêu cầu ly hôn thì người vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn phải chứng minh được thời hạn biệt tích của người kia là từ đủ 02 năm trở lên và người ở lại đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của Luật Tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người kia còn sống hay đã chết. Việc chứng minh này nhằm mục đích yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích đối với người kia và khi đã có quyết định thì mới có thể yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn.
Ngoài ra, về thủ tục ly hôn đối với người được Tòa án tuyên bố mất tích, bởi tính chất đặc biệt của trường hợp này là việc người đó không còn khả năng để có thể tự liên hệ được nữa cho nên các thủ tục pháp lý thông thường theo trình tự của một vụ án lý hôn sẽ được bỏ qua. Cụ thể, đối với phiên hòa giải thì sẽ không cần tiến hành với lý do đương sự không thể tham gia phiên hòa giải với lý do chính đáng[3].
Bên cạnh đó, việc Tòa án có cần thiết phải tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng tại nơi trước đây người mất tích đã cư trú hay không vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng đương sự đã bị tuyên bố mất tích bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì không cần thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nữa. Ngược lại, nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho người bị tuyên bố mất tích và hiện cũng chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về việc không cần tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng cho người mất tích, nên có ý kiến lại cho rằng cần thực hiện đúng theo trình tự thủ tục[5]. Với quan điểm của mình, các tác giả nghiêng về luồng quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, trong trường hợp một người mất tích theo quy định của pháp luật chỉ khi được Tòa án ban hành quyết định là nhiều biện pháp tìm kiếm đã được thực hiện cũng như đã có một thời gian đủ dài hợp lý để chờ đợi trong không có được bất kỳ tung tích nào, cho nên việc người đó quay trở lại rất khó xảy ra. Như vậy, nếu vẫn thực hiện việc tống đạt, thông báo thì chỉ mang tính máy móc trong việc áp dụng quy định pháp luật, làm mất thời gian và làm tăng thêm chi phí trong hoạt động tố tụng cho một hành động với kết quả đã được lường trước là không khả thi.
[1] Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Điều 207.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Chu Hương Thủy, “Vướng mắc trong giải quyết tuyên bố một người mất tích đến giải quyết ly hôn”, Tạp chí Tòa án Nhân dân ngày 28/9/2019, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/vuong-mac-trong-giai-quyet-tuyen-bo-mot-nguoi-mat-tich-den-giai-quyet-ly-hon.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.