- Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của BLLĐ[287]. Cụ thể, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ bao gồm:
1.1 Mức lương: được hiểu là mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định của BLLĐ mà các bên đã thỏa thuận. Đối với NLĐ nào hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương sẽ là mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán[288]. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với NLĐ nào làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường[289]. Riêng đối với NLĐ nào làm các công việc mà đòi hỏi phải qua học nghề, đào tạo nghề, thì mức lương tối thiểu phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đó[290].
1.2 Các khoản phụ cấp lương: để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự[291].
1.3 Các khoản bổ sung khác: được hiểu là các khoản mà có thể xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và được trả thường xuyên cho NLĐ trong mỗi kỳ trả lương[292].
2. Các khoản không được xem là tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
Bên cạnh các khoản hình thành nên tiền lương được nêu ở trên, nguồn thu nhập từ tiền lương của NLĐ còn có thể có từ những khoản khác được NSDLĐ chi trả mà những khoản này sẽ không được xem là tiền lương cũng như không được sử dụng làm căn cứ để xác định mức đóng BHXH bắt buộc của NLĐ. Các khoản đó bao gồm[293]: (i) các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ; và (ii) các khoản bổ sung mà không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ. Để dễ dàng áp dụng trên thực tế, quy định của pháp luật đã chia các khoản nói trên thành những khoản cụ thể như sau[294]:
2.1 Tiền thưởng theo quy định của BLLĐ
Theo quy định tại Điều 104 BLLĐ, nói chung tiền thưởng là khoản tiền mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng bản chất của tiền thưởng là một khoản tiền được NSDLĐ chi trả cho NLĐ có điều kiện. Quyết định thưởng cho NLĐ phải căn cứ vào cả 02 yếu tố đó là: (i) kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; và (ii) mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Vì tính chất của tiền thưởng là khoản tiền được chi trả có điều kiện cho nên NSDLĐ cần lưu ý quy định rõ các điều kiện được hưởng, mức hưởng trong quy chế thưởng do NSDLĐ xây dựng và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở[295]. Như vậy, để một khoản thu nhập của NLĐ được xem như là tiền thưởng thì khoản thu nhập đó phải hội đủ 04 yếu tố sau đây:
- Ghi thành một mục riêng trong HĐLĐ;
- Phải nằm trong quy chế thưởng của doanh nghiệp do NSDLĐ ban hành;
- Quy chế thưởng phải có ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở tại doanh nghiệp; và
- Quy chế thưởng phải được NSDLĐ công bố công khai tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, mặc dù không được xem là khoản phải đóng BHXH bắt buộc, tiền thưởng vẫn được xem là khoản thu nhập chịu thuế theo Luật TTNCN. Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán đều được xem là thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐ và là đối tượng chịu TTNCN. Vì vậy, đối với tiền thưởng, NSDLĐ có nghĩa vụ khấu trừ một phần tiền tương đương với số thuế TTNCN phải trả để đóng thay cho NLĐ theo quy định.
Xét ở góc độ TTNDN, tiền thưởng được xem là khoản chi thực tế gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho nên nếu được quy định trong quy chế thưởng của doanh nghiệp hay trong HĐLĐ thì sẽ được xem là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[296]. Tuy nhiên, nếu các khoản thưởng không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng trong quy chế thưởng, TƯLĐTT của doanh nghiệp hay HĐLĐ thì NSDLĐ sẽ không được trừ những khoản chi này khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[297].
2.2 Tiền thưởng sáng kiến
Cũng với bản chất là tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến được áp dụng nếu NLĐ có những giải pháp làm tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Để chi trả tiền thưởng nói chung và tiền thưởng sáng kiến nói riêng cho NLĐ, NSDLĐ phải có quy định cụ thể trong quy chế thưởng của doanh nghiệp về điều kiện hưởng, mức hưởng và các điều kiện khác nếu cần thiết.
Theo quy định của Luật TTNCN, tiền thưởng sáng kiến cũng thuộc một trong các loại thu nhập chịu thuế trừ khi tiền thưởng cho sáng kiến là các cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận (cấp bằng sở hữu trí tuệ về sáng chế…)[298].
Về TTNDN, tiền thưởng sáng kiến cũng được xem là khoản chi thực tế gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và do đó được trừ khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[299]. Tuy nhiên, nếu NSDLĐ không ban hành quy chế nào quy định một cách cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến, cải tiến, không có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến thì khoản chi thưởng sáng kiến, cải tiến đó sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[300].
2.3 Tiền ăn giữa ca
Tiền ăn giữa ca là một khoản phúc lợi khác dành cho NLĐ mà theo quy định của luật bảo hiểm là khoản không phải đóng BHXH bắt buộc. Để hiểu chính xác khoản tiền ăn giữa ca theo quy định của pháp luật, khái niệm về ca làm việc cần được làm rõ.
Theo đó, BLLĐ có quy định về thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là không quá 08 giờ/01 ngày và 48 giờ/01 tuần[301]. Đối với khái niệm về ca làm việc, thì theo quy định, tổ chức làm việc theo ca là việc NSDLĐ bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong khoảng thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục)[302]. Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về thời gian NLĐ nghỉ trong giờ làm việc, thời gian nghỉ giữa giờ làm việc ít nhất 30 phút được xem như là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 06 giờ trở lên và thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Do đó, khi áp dụng thì tiền ăn giữa ca chỉ là một khoản phúc lợi chứ không phải là tiền lương của NLĐ trong trường hợp này. NSDLĐ cần chú ý rằng những khoản như vậy chỉ có thể được thực hiện đối với NLĐ nào làm việc có tính chất liên tục từ 06 giờ trở lên như tại các nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp. Các khoản như vậy sẽ không áp dụng đối với NLĐ nào làm việc tại văn phòng trong các tòa nhà văn phòng mà họ đã được bố trí giờ nghỉ giữa trưa (hoặc một thời gian khác).
Xét dưới góc độ TTNCN, khoản tiền ăn giữa ca do NSDLĐ chi cho NLĐ sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ trừ trường hợp số tiền đó vượt quá mức quy định của Bộ LĐTBXH tại từng thời điểm[303]. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và các tổ chức khác như các doanh nghiệp dân doanh, mức chi cụ thể sẽ do thủ trưởng đơn vị thống nhất với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở quyết định nhưng tối đa không được vượt quá mức áp dụng đối với NLĐ của các doanh nghiệp Nhà nước[304].
Bên cạnh đó, về TTNDN, khoản tiền ăn giữa ca được ghi nhận trong quy chế của doanh nghiệp hay HĐLĐ cũng sẽ được xem là khoản chi thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của Luật TTNDN thì NSDLĐ được phép trừ những khoản này khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[305]. Tuy nhiên, nếu các khoản này đã được doanh nghiệp hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán chứng minh cho việc chi trả đó thì sẽ không được phép trừ khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp[306]. Tổng số chi cho tiền ăn giữa ca và các khoản phúc lợi như được nêu ở trên sẽ không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế[307].
2.4 Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại
Các khoản hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, phương tiện đi lại là các khoản phúc lợi dành cho NLĐ nên sẽ không được xem như là tiền lương làm căn cứ để đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, việc thỏa thuận các khoản hỗ trợ này cũng cần được xem xét và chi trả một cách phù hợp và tương thích với giá cả trên thị trường trên thực tế. Việc cơ cấu một khoản chi trả quá cao, bất hợp lý sẽ có thể khiến cho NSDLĐ bị nghi ngờ và được cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu giải trình thêm hoặc bị xem xét xử lý vi phạm hành chính khi bị thanh tra lao động.
Về TTNCN, tiền điện thoại, mức khoán chi này sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ nếu được áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu TTNDN theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TTNDN[308]. Liên quan đến việc xác định TTNCN đối với khoản tiền điện thoại, có công văn của Tổng cục Thuế hướng dẫn rằng nếu các khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ như HĐLĐ, TƯLĐTT và quy chế tài chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định TTNDN thì khoản chi tiền điện thoại đó cũng được trừ khi xác định TTNCN cho NLĐ[309]. Nếu NSDLĐ chi tiền điện thoại cho NLĐ cao hơn mức khoán chi theo quy định thì phần chi cao hơn phải chịu TTNCN. Như vậy, đối với khoản chi tiền điện thoại, việc xác định TTNCN của NLĐ sẽ phụ thuộc vào việc xác định TTNDN của doanh nghiệp. Cụ thể, nếu khoản chi đó là được trừ khi xác định TTNDN của doanh nghiệp thì khoản chi đó sẽ được miễn TTNCN cho NLĐ.
Đối với khoản hỗ trợ đi lại, các khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón NLĐ từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ theo quy chế của doanh nghiệp[310]. Như vậy, việc xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản hỗ trợ đi lại cho NLĐ sẽ chủ yếu căn cứ vào quy chế của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có những quy định cụ thể về các khoản này, NLĐ vẫn phải chịu TTNCN trên các khoản đó. Ngoài ra, đối với khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do NSDLĐ trả hộ (hoặc thanh toán) cho NLĐ là người nước ngoài hoặc NLĐ là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm 01 lần sẽ không thuộc đối tượng chịu TTNCN[311]. Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay đó là HĐLĐ và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại, khoản tiền thanh toán vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Nam và ngược lại[312].
Dưới góc độ TTNDN, các khoản chi nêu trên là những khoản mà NSDLĐ được phép trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp nếu có các hóa đơn, chứng từ theo quy định. Tổng số tiền mà doanh nghiệp chi cho các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại và các khoản phúc lợi như vậy sẽ không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế[313].
2.5 Tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ
Hiện nay, việc hỗ trợ NLĐ tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ không còn là một vấn đề quá xa lạ tại Việt Nam nữa. Theo đó, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tiền thuê nhà hằng tháng hoặc hỗ trợ một khoản tiền nào đó để họ có thể gửi con của họ tại các trường mẫu giáo quốc tế tại Việt Nam. Tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ như trên là các khoản phúc lợi được chi trả thêm cho NLĐ và do đó các khoản này sẽ không được xem là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ. Tuy nhiên, NSDLĐ không thể đưa những khoản tiền này vào trong mục chi trả của HĐLĐ nếu trên thực tế NLĐ không sử dụng chúng vào các mục đích tương ứng. Bên cạnh đó, các khoản tiền nhà ở, tiền giữ trẻ và nuôi con nhỏ được chi trả cho NLĐ cũng không được vượt quá mức giá thực tế của những dịch vụ này trên thị trường tại thời điểm chi trả.
Về TTNCN, các khoản chi trả như trên là khoản thu nhập chịu thuế của NLĐ[314]. Tuy nhiên, các khoản lợi ích về nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) nói trên sẽ không phải chịu TTNCN nếu nhà ở là do NSDLĐ xây dựng để cung cấp miễn phí cho NLĐ làm việc tại các khu công nghiệp; nhà ở do NSDLĐ xây dựng tại các khu kinh tế, các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định để cung cấp miễn phí cho NLĐ. Nếu khoản như vậy ở lại tại trụ sở làm việc của doanh nghiệp thì thu nhập chịu thuế của NLĐ sẽ căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác được tính theo tỷ lệ giữa diện tích mà NLĐ sử dụng với diện tích trụ sở làm việc của doanh nghiệp. Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do NSDLĐ trả hộ sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ theo số tiền thực tế trả hộ nhưng sẽ không được vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế của NLĐ (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập[315].
Về TTNDN, các khoản chi như trên là những khoản được phép trừ khi xác định thu nhập chịu TTNDN của doanh nghiệp nếu có hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định về thuế. Tổng số tiền chi cho tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ và các khoản phúc lợi như vậy cho NLĐ sẽ không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế[316].
2.6 Hỗ trợ của doanh nghiệp khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ
Đây là những khoản phúc lợi mang tính chất hỗ trợ có yếu tố bù đắp tinh thần cho NLĐ nhiều hơn là phục vụ cho các vấn đề công việc, việc làm của NLĐ. Theo đó, thân nhân của NLĐ được hiểu là bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp[317]. Những người không thuộc những trường hợp liệt kê nêu trên sẽ không được xem là thân nhân của NLĐ. NSDLĐ có thể xem xét chi trả cho NLĐ tiền hỗ trợ lo tang chay cho người thân (cha, mẹ, vợ, con…); hoặc tiền hỗ trợ tổ chức đám cưới cho người thân…
Về TTNCN, khoản chi cho đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình của NLĐ theo quy định chung của doanh nghiệp và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu TTNDN theo quy định của Luật TTNDN sẽ không phải là đối tượng chịu thuế[318]. Ngoài ra, các khoản mà NSDLĐ hỗ trợ NLĐ cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân NLĐ và thân nhân (bố, mẹ, vợ/ chồng, con…) của NLĐ cũng không thuộc đối tượng áp dụng TTNCN[319].
Xét ở góc độ TTNDN, các khoản chi này sẽ được trừ khi xác định TTNDN của doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Tổng số tiền chi cho việc hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ và các khoản phúc lợi như vậy sẽ không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế[320].
2.7 Trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Một tai nạn của NLĐ sẽ được xem là tai nạn lao động khi xảy ra: (i) tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi NLĐ đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc; (ii) ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi NLĐ thực hiện các công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; và (iii) trên tuyến đường NLĐ đi từ nơi ở đến nơi làm việc của doanh nghiệp hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý[321]. Trong khi đó, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến NLĐ (theo Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện NSDLĐ, tổ chức xã hội có liên quan và được rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với thay đổi về môi trường lao động, thiết bị, công nghệ.))[322]. Khi NLĐ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không phải lỗi từ phía NSDLĐ, NSDLĐ sẽ trợ cấp cho NLĐ ít nhất bằng 40% các mức sau đây:[323]
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu NLĐ bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; và
– Ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động.
Trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là các khoản phúc lợi không được xem là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và cũng không được xem là khoản thu nhập chịu thuế của NLĐ theo Luật TTNCN[324]. Về góc độ TTNDN, các chi phí này sẽ được xem là chi phí được trừ của doanh nghiệp nếu NSDLĐ có thể cung cấp các hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định để chứng minh cho việc doanh nghiệp đã chi trả. Tổng số tiền chi cho việc trợ cấp NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vàcác khoản phúc lợi như trên sẽ không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế[325].
2.8 Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác
Ngoài các khoản hỗ trợ, trợ cấp như đã được liệt kê ở trên, quy định của pháp luật để mở khả năng cho phép NSDLĐ có thể hỗ trợ, trợ cấp cho NLĐ những khoản khác ngoài các khoản theo quy định của pháp luật. Những khoản hỗ trợ, trợ cấp đó cũng sẽ không được xem là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ với điều kiện là các khoản đó không thuộc các khoản được xem là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Cũng cần lưu ý rằng, các khoản được nêu ở trên phải được xây dựng và thỏa thuận giữa các bên trên tinh thần tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp và tương thích với mức lương của NLĐ cũng như giá trị thực tế của từng khoản trên thị trường tại thời điểm chi trả.
Bên cạnh đó, để các khoản chi phí nêu trên không được xem là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ, ngoài việc thỏa mãn các điều kiện theo từng khoản tương ứng nêu trên, các khoản chi đó còn phải được các bên thỏa thuận và được cụ thể hóa trong HĐLĐ[326]. NSDLĐ hoàn toàn không có cơ sở để từ bỏ nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đối với những khoản như vậy nếu không quy định chúng thành một mục riêng trong HĐLĐ.
[287] Điều 89.2 Luật BHXH
[288] Điều 3.5(a) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020
[289] Điều 6.2.6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017
[290] Điều 5.1 (b) Nghị định 90/2019/NĐ-CP /NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2019
[291] Điều 3.5 (b) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020 và Điều 6.2.1 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017
[292] Điều 3.5 (c) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 12/11/2020
[293] Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 29/12/2015
[294] Khoản 2.3 Điều 6 Quyết Định 595/2015/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017
[295] Điều 104.2 BLLĐ
[296] Điều 9.1 (a) Luật TTTDN
[297] Điều 9.2 (m) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013
[298] Điều 3.2 (e) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013
[299] Điều 9.1 (a) Luật TTNDN
[300] Điều 9.2 (m) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 6.2.8 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 (được sửa đổi bởi Thông Tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015)
[301] Điều 105 BLLĐ
[302] Điều 63.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[303] Điều 3.2 (g) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013
[304] Điều 2.2 (g.5) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2013
[305] Điều 9.1 (a) Luật TTNDN
[306] Điều 6.2.6 (a) Thông tư 78 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18/06/2014 (được sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/06/2015)
[307] Điều 9.1 (a) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 1.4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2014
[308] Điều 2.2 (đ.4.2) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2013
[309] Công văn 1166/TCT-TNCN ngày 21/03/2016
[310] Điều 2.2 (đ.5) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/08/2013 và Điều 11.4 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015
[311] Điều 3.2 (g) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013
[312] Điều 2.2 (g.6) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2013
[313] Điều 9.1 (a) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 1.4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2014
[314] Điều 3.2 (đ) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013
[315] Điều 2.2 (đ.2) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2013 và Điều 11.3 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015
[316] Điều 9.1 (a) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 1.4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2014
[317] Điều 3.6 Luật BHXH
[318] Điều 2.2 (g) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2013 và Điều 11.5 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015
[319] Điều 3.2 (g) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013
[320] Điều 9.1 (a) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 1.4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2014
[321] Điều 3.8 và Điều 45.1 Luật An toàn, VSLĐ
[322] Điều 3.9 và Điều 37.1 Luật An toàn, VSLĐ
[323] Điều 38.4 và Điều 38.5 Luật An toàn, VSLĐ
[324] Điều 3.2 (b) Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/06/2013 và Điều 2.3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/02/2015
[335] Điều 9.1 (a) Nghị định 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 và Điều 1.4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2014
[326] Điều 6.2.3 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017