Câu hỏi 105: Trong vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng đều có quyền sao chụp toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được Thẩm phán giữ trước khi vụ án được đưa ra xét xử phải không? Nếu được như vậy thì chồng hoặc vợ đã yêu cầu cần nộp thư yêu cầu bằng văn bản để xin Thẩm phán đang thụ lý vụ án phải không?

  1. Trong vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng có quyền sao chụp toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được Thẩm phán giữ trước khi vụ án được đưa ra xét xử phải không?

Theo quy định của pháp luật, quyền được sao chụp các tài liệu chứng cứ do các đương sự khác cung cấp hoặc do Tòa án thu thập có trong hồ sơ vụ án ly hôn là quyền cơ bản của đương sự[1]. Quy định này giúp tạo ra sự công bằng giữa hai bên vợ, chồng trong vụ án ly hôn, khi cả hai đều có quyền tiếp cận chứng cứ của nhau, đồng thời làm tăng vai trò của việc tranh tụng trong xét xử vụ án, thay vì chỉ phụ thuộc vào hồ sơ. Ngoài ra, quyền này còn hỗ trợ các đương sự xác định đúng các yêu cầu của mình, cũng như đưa ra những quyết định phù hợp đối với việc giải quyết vụ án. Như vậy, trong vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng là một trong những bên đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn) của vụ án ly hôn và có yêu cầu được quyền sao chụp các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ được Thẩm phán phụ trách vụ việc đó có nghĩa vụ giúp đỡ vợ hoặc chồng thực hiện quyền nói trên. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp thì vợ hoặc chồng cũng đều được quyền sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án. Trong trường hợp các tài liệu, chứng cứ đó có liên quan đến bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và theo yêu cầu của đương sự có liên quan thì Tòa án có quyền từ chối cho phép vợ hoặc chồng sao chụp các tài liệu chứng cứ này[2].

2. Nếu được thì chồng hoặc vợ có yêu cầu cần làm thư yêu cầu bằng văn bản xin Thẩm phán đang thụ lý vụ án phải không?

Để thực hiện quyền sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ án ly hôn thì vợ hoặc chồng phải làm đơn yêu cầu gửi Tòa án, kể cả trong trường hợp người yêu cầu không biết chữ thì Tòa án cũng phải lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ, đọc lại biên bản cho họ nghe để người đó có thể ký hoặc điểm chỉ để xác nhận nội dung.

Văn bản này chính là căn cứ để Tòa án cho phép vợ hoặc chồng sao chụp tài liệu, chứng cứ và là cơ sở để xem xét trách nhiệm trong trường hợp có vi phạm xảy ra. Khi làm đơn xin sao chụp tài liệu, chứng cứ, vợ hoặc chồng phải nêu rõ những tài liệu, chứng cứ nào mà họ muốn sao chụp có trong hồ sơ vụ án. Lúc này, Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án sẽ cung cấp các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Và nếu có vi phạm xảy ra, văn bản yêu cầu sẽ là căn cứ rõ ràng để xác định trách nhiệm của các bên. Chẳng hạn, nếu trong quá trình sao chụp vợ hoặc chồng có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án ví dụ như sửa chữa, hủy hoại hồ sơ thì bằng văn bản đề nghị sao chụp chứng cứ, Tòa án đã có căn cứ rõ ràng rằng đương sự có tiếp cận hồ sơ. Ngược lại, nếu Tòa án từ chối cho vợ hoặc chồng sao chụp chứng cứ không có căn cứ thì đơn xin sao chụp chứng cứ cũng là căn cứ để đương sự thực hiện quyền khiếu nại của mình.


[1] Điều 70.8 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 109.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.