Sổ BHXH được cấp cho từng NLĐ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở pháp lý để giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ[337]. Do vậy, khi NLĐ làm mất, bị hỏng, hoặc có sự sai sót, thay đổi thông tin ghi nhận trên sổ BHXH, NLĐ phải thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ BHXH theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/03/2020[338].
Từ ngày 01/01/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực và cho phép công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy chứng minh nhân dân. Đối với giấy chứng minh nhân dân nào đã được cấp trước ngày 01/01/2016 thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, nếu công dân có yêu cầu thì cũng được đổi sang thẻ căn cước công dân[339]. Do đó, trên thực tế, sau khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, nhiều công dân Việt Nam đã đổi giấy chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân dẫn đến việc các thông tin về số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp được ghi nhận trên sổ BHXH bị thay đổi. Tuy nhiên, căn cứ các trường hợp được cấp lại sổ BHXH quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH và Quyết định 505/QĐ-BHXH nêu trên thì việc thay đổi thông tin về số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp sẽ không thuộc trường hợp được cấp lại sổ BHXH. Do đó, NLĐ không bắt buộc phải Điều chỉnh thông tin này và việc này cũng không làm ảnh hưởng đến các chế độ BHXH mà NLĐ được hưởng.
[337] Điều 96.1 Luật BHXH
[338] Điều 27 Quyết đinh 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2014, được sửa đổi, bổ sung bởi của Chính phủ 505/QĐ-BHXH ngày 27/03/2020
[339] Điều 38.2 Luật Căn cước công dân