Trưng cầu giám định là việc Tòa án, người tiến hành tố tụng đưa ra quyết định cho việc giám định. Trong khi đó, yêu cầu giám định là quyền của đương sự tự yêu cầu cơ quan, tổ chức thực hiện giám định sau khi đã đề nghị Tòa án, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định nhưng không được chấp nhận theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự. Hoạt động giám định trong tố tụng dân sự, cụ thể ở đây là giám định sức khỏe hay ADN trong vụ án ly hôn, có thể được tiến hành trong các trường hợp sau đây:
- Trưng cầu giám định: theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định theo ý chí của Tòa án;
- Yêu cầu trưng cầu giám định, có thể xảy ra 2 trường hợp sau: (i) vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc lựa chọn biện pháp giám định và yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định; và (ii) chỉ có vợ hoặc chồng đơn phương yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định; và
- Yêu cầu giám định: vợ hoặc chồng có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm hay quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
Theo sự thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, Thẩm phán phụ trách vụ án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. Sự thỏa thuận lựa chọn hoặc yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải được thể hiện bằng văn bản, có thể làm bằng văn bản riêng, có thể ghi trong bản khai; trong biên bản ghi lời khai và/hoặc biên bản đối chất, v.v..
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.