Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự sẽ không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu xét thấy vụ án có tính chất phức tạp, thời hạn điều tra có thể được gia hạn thêm như sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng; và
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Sau khi hết thời hạn điều tra và thời hạn điều tra được gia hạn (nếu có) nêu trên, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra để kết thúc việc điều tra theo quy định[415]. Nếu cơ quan điều tra vẫn không ra được bản kết luận điều tra sau thời hạn này, NSDLĐ có thể xem xét gửi công văn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên của cơ quan đó.
Căn cứ vào kết luận điều tra đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, NSDLĐ sẽ tổ chức cuộc họp xử lý KLLĐ và ban hành quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ vi phạm theo quy trình của Bô luật Lao động[416]. Ngược lại, nếu kết luận của cơ quan điều tra không chỉ ra được các cơ sở để chứng minh hành vi của NLĐ cấu thành tội phạm, NSDLĐ sẽ không thể tiến hành xử lý KLLĐ đối với hành vi của NLĐ mà NSDLĐ đã đề nghị cơ quan điều tra điều tra trước đó.
[415] Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự
[416] Điều 122 BLLĐvà Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020