Câu hỏi 138. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu phòng nhân sự của doanh nghiệp có bắt buộc phải tham gia cuộc họp xử lý KLLĐ và trực tiếp ký quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ vi phạm không? Nếu người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu phòng nhân sự không thể tham dự và trực tiếp ký quyết định xử lý KLLĐ theo quy định thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác đang làm việc trong doanh nghiệp thực hiện việc này được không?

1. Việc mời những người tham gia bắt buộc, triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý KLLĐ

Căn cứ Điều 69.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020 và Điều 18.3 BLLĐ, các bước trong thủ tục này sẽ chỉ được tiến hành bởi một trong 02 chủ thể sau đây: (i) người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền để ký HĐLĐ; hoặc (ii) người có thẩm quyền được quy định cụ thể trong NQLĐ. Như vậy, nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu phòng nhân sựký HĐLĐ với NLĐ, thì người đứng đầu phòng nhân sựcó thể tiến hành cuộc họp xử lý KLLĐ đối với NLĐ.

BLLĐ không cho phép người được ủy quyền giao kết HĐLĐ được ủy quyền lại cho người khác để giao kết HĐLĐ với NLĐ, mà theo quy định thì người có thẩm quyền giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ mới được quyền tiến hành xử lý KLLĐ đối với NLĐ, cho nên việc mời những người tham gia bắt buộc, triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý KLLĐ chỉ nên được tiến hành bởi một trong các chủ thể nói trên mà thôi.

Liên quan đến vấn đề người được ủy quyền giao kết HĐLĐ, quy định của BLLĐ cũng không đưa ra định nghĩa chi tiết về vấn đề này. Theo ý kiến tư vấn của chuyên viên tại Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh, người được ủy quyền giao kết HĐLĐ nên được xác định với tư cách cá nhân, chứ không phải dựa theo chức danh của họ giống như người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu như trước đây Anh A (làm việc ở vị trí giám đốc nhân sự) được ủy quyền để ký HĐLĐ với NLĐ, thì sau này Anh A sẽ có quyền tiến hành các thủ tục mời những người tham gia bắt buộc, triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý KLLĐ đối với những NLĐ này. Mặt khác, nếu tại thời điểm xử lý KLLĐ đối với NLĐ mà Anh A không còn làm việc tại doanh nghiệp nữa, đồng thời vị trí công việc của Anh A đã được thay thế bởi Chị B, thì Chị B sẽ không có thẩm quyền xử lý KLLĐ tương tự như Anh A. Trong trường hợp này, chỉ có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới là người có đủ thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp tiến hành quy trình KLLĐ đối với NLĐ.

2. Thẩm quyền ký quyết định xử lý KLLĐ

Tương tự, quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ cũng chỉ được ký và không được phép ủy quyền lại bởi một trong các chủ thể sau đây[417]: (i) người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền để giao kết HĐLĐ với NLĐ; hoặc (ii) người có thẩm quyền được quy định cụ thể trong NQLĐ của doanh nghiệp.


[417] Điều 70.4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020