Câu hỏi 140. Kéo dài thời hạn nâng lương là một trong các hình thức xử lý KLLĐ khi NLĐ vi phạm các nội dung có liên quan đến việc tuân thủ thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong NQLĐ của doanh nghiệp. Theo đó, khi bị xử lý KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương, NLĐ sẽ bị hoãn thời hạn nâng lương so với thời hạn do các bên đã thỏa thuận hoặc theo thời hạn của chính sách chung của doanh nghiệp. Quy định của BLLĐ chưa có hướng dẫn cụ thể về “ngày bị xử lý” đối với việc xử lý kỷ luật dưới hình thức này, điều đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau đối với cụm từ này. Như vậy, phải hiểu cụm từ này như thế nào cho đúng để áp dụng?

Do quy định của BLLĐ chưa có hướng dẫn cụ thể về “ngày bị xử lý” đối với việc xử lý KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương của NLĐ cho nên đang có ba luồng quan điểm khác nhau như sau:

  • Quan điểm 1: Theo đó, “ngày bị xử lý” KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương là ngày mà NSDLĐ ban hành quyết định xử lý KLLĐ đối với NLĐ. Theo đó, nếu thời gian nâng lương diễn ra sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định xử lý KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương thì NLĐ vi phạm vẫn được nâng lương vào thời điểm nâng lương chung của doanh nghiệp. 
  • Quan điểm 2: Theo đó, “ngày bị xử lý” KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương là ngày mà đáng lẽ ra NLĐ được nâng lương theo thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ theo HĐLĐ hay TƯLĐTT hoặc theo chính sách chung của doanh nghiệp, nhưng do vì bị xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương nên NLĐ vi phạm sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương 06 tháng kể từ ngày được xét nâng lương đó.
  • Quan điểm 3: Theo đó, “ngày bị xử lý” KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương sẽ là ngày có quyết định xử lý KLLĐ và ngày bị xử lý này chỉ có giá trị đối với việc áp dụng Điều 126.1 BLLĐ, tức là ngày để xác định NLĐ được “xóa kỷ luật” tức là “xóa án tích” về việc vi phạm, để làm cơ sở cho việc NSDLĐ đánh giá NLĐ không tái phạm vì theo quy định tại Điều 125.2 BLLĐ, nếu NLĐ bị xử lý KLLĐ kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa được xóa kỷ luật thì sẽ có nhiều khả năng bị xử lý KLLĐ dưới hình thức sa thải. Quan điểm này cho rằng “ngày bị xử lý” và ngày bắt đầu áp dụng hình thức xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương (tức là ngày áp dụng) là khác nhau. Theo đó, “ngày bị xử lý” chỉ để nhằm xác định việc NLĐ có tái phạm hay không để làm cơ sở cho việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, còn ngày áp dụng xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương vẫn là ngày mà NLĐ đáng lẽ ra được hưởng mức lương được nâng lên theo thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ, quy định của TƯLĐTT hoặc theo chính sách chung của doanh nghiệp, nhưng do NLĐ bị xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương cho nên NLĐ sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương 06 tháng kể từ ngày đó. Như vậy, đối với Quan điểm 2, kết quả của Quan điểm này cũng có kết quả tương tự.

Như vậy, dường như vấn đề về sự tương tác giữa thời hạn nâng lương và biện pháp xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương chưa thật sự là rõ ràng. Về vấn đề này, khi tham khảo ý kiến từ một số chuyên viên của các Sở LĐTBXH Tỉnh/Thành phố thì quan điểm của các chuyên viên là đồng ý với Quan điểm 1 với lập luận của họ rằng cần có sự tách bạch giữa việc nâng lương và hình thức xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương. Theo đó, thời điểm quyết định xử lý kỷ luật được ban hành và có hiệu lực (các chuyên viên này cho rằng thông thường thì ngày quyết định xử lý kỷ luật cũng là ngày quyết định có hiệu lực) cũng sẽ là thời điểm bắt đầu tính thời hạn xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương, và trong thời hạn 06 tháng chấp hành hình thức xử lý kỷ luật này nếu doanh nghiệp không có bất kỳ đợt tăng lương nào thì sau thời hạn 06 tháng, NLĐ vẫn sẽ được xóa kỷ luật và được xem xét nâng lương nếu kỳ nâng lương xảy ra sau thời hạn đó. Theo ý kiến của các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực luật lao động thì lại nghiêng về Quan điểm 3 vì cho rằng nếu hiểu như Quan điểm 1 thì việc xử lý KLLĐ dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương sẽ không còn có ý nghĩa gì, vì đối với những doanh nghiệp mà NLĐ bị xử lý kỷ luật vào đầu năm, nhưng chính sách nâng lương chung của doanh nghiệp lại rơi vào thời điểm cuối năm thì trên thực tế NLĐ hoàn toàn không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức kéo dài thời hạn nâng lương.  Còn đối với Quan điểm 2 xem “ngày bị xử lý” là ngày mà đáng lẽ ra NLĐ được xét nâng lương cũng không được ủng hộ vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành KLLĐ của NLĐ. Căn cứ vào những vấn đề được đưa ra ở trên, hiện còn nhiều quan điểm trái chiều cho vấn đề này và khi xảy ra tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ thì quan điểm của các cơ quan giải quyết tranh chấp mới là quan điểm được áp dụng. Việc áp dụng quan điểm nào trong vấn đề hiểu như thế nào là “ngày bị xử lý” có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phương án nào cho phù hợp và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Do đó, theo quan điểm cẩn trọng, doanh nghiệp nên có công văn chính thức gửi đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có được câu trả lời chính thức cho vấn đề này trước khi thực hiện.