Câu hỏi 144. Trong bối cảnh BLLĐ chưa có quy định rõ ràng về các vấn đề lao động có liên quan đến các phương tiện truyền thông và mạng xã hội và các cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền ở địa phương, trong một chừng mực nào đó, vẫn còn xác định đây là một trong những vấn đề khá mới mẻ nên khá lúng túng trong việc hướng dẫn thì doanh nghiệp nên làm gì để tự bảo vệ mình trong trường hợp này?

BLLĐ chưa có quy định nào điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội trong phạm vi doanh nghiệp. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền ở địa phương thường e dè trong việc hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng NQLĐ có liên quan đến nội dung này. Để doanh nghiệp có thể chủ động phòng tránh rủi ro trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và sức ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và mạng xã hội, kinh nghiệm thực tế cho thấy doanh nghiệp nên lưu ý đến các vấn đề sau đây:  

  • Thứ nhất, doanh nghiệp nên xác định những điểm tích cực và tiêu cực của việc sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho doanh nghiệp, từ đó phát huy những lợi ích của việc sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chẳng hạn như tạo ra sự gắn kết trong quan hệ đồng nghiệp, tăng cường sự truyền tải thông tin của doanh nghiệp ra bên ngoài để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Đồng thời, NSDLĐ cũng nên tìm cách hạn chế tối đa việc NLĐ lạm dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội để làm ảnh hưởng đến năng suất, kết quả làm việc hoặc có hành vi gây thiệt hại cho doanh nghiệp;

Để thực thi vấn đề trên một cách hiệu quả, NSDLĐ có thể ban hành một chính sách nội bộ riêng biệt (ngoài NQLĐ của doanh nghiệp) có liên quan đến trách nhiệm của NLĐ trong việc sử dụng các thông tin phù hợp trước các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để cung cấp các hướng dẫn cần thiết rõ ràng giúp NLĐ hiểu hơn về quy định này theo yêu cầu của NSDLĐ;

  • Thứ hai, NSDLĐ nên quy định rõ ràng và cụ thể các hành vi vi phạm có liên quan đến phương tiện truyền thông và mạng xã hội trong NQLĐ của doanh nghiệp mà nếu vi phạm NLĐ có thể bị xử lý KLLĐ với một trong các hình thức khiển trách, cách chức và kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc sa thải tùy vào mức độ của vi phạm; đồng thời, thông báo đến NLĐ và niêm yết NQLĐ của doanh nghiệp ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc của doanh nhiệp để NLĐ hiểu và nắm bắt các quy định này; và
  • Thứ ba, NSDLĐ cũng nên tổ chức các buổi huấn luyện nội bộ định kỳ cho NLĐ để tuyên truyền và giải đáp các thắc mắc cho NLĐ, mà thông qua đó sẽ giúp cho NLĐ hiểu rõ hơn về các hệ quả của việc sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội tại nơi làm việc, từ đó, có ý thức tự giác kiểm soát hành vi của bản thân trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.