1. Hình thức xử lý kỷ luật cách chức được áp dụng đối với những đối tượng nào trong doanh nghiệp?
Theo quy định của BLLĐ, cách chức là một trong những hình thức xử lý KLLĐ nhưng để có thể áp dụng hình thức xử lý này đối với NLĐ thì NLĐ phải là người có chức vụ, nắm quyền quản lý, điều hành trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, BLLĐ chưa có quy định các nội dung nào có liên quan đến người có chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp. Điều 21.1.c BLLĐ chỉ quy định về các nội dung chủ yếu của HĐLĐ hướng dẫn về công việc phải làm, mà không hướng dẫn về chức vụ của NLĐ trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định các trường hợp có chức vụ quyền hạn này sẽ căn cứ theo các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
Điều 4.24 Luật Doanh nghiệp có quy định những người có chức vụ quản lý trong doanh nghiệp bao gồm: Chủ tịch Công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định trong Điều lệ công ty. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định cụ thể các trường hợp được áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với những cá nhân giữ chức vụ quản lý nói trên chẳng hạn như quy định về cách chức thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch doanh nghiệp, Giám đốc/Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên (Điều 94, 99, 102, 108 Luật Doanh nghiệp).
Riêng đối với công chức, viên chức Nhà nước, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử lý KLLĐ đối với công chức và Điều 12 Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý KLLĐ viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, hình thức kỷ luật cách chức chỉ được áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Do đó, trên tinh thần chung của pháp luật, kể cả đối với công chức, viên chức làm việc cho các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay NLĐ làm việc cho các doanh nghiệp thì hình thức xử lý kỷ luật cách chức chỉ có thể được thực hiện đối với những cá nhân nào đang nắm giữ chức vụ, quyền hạn nhất định trong các cơ quan, tổ chức đó.
2. Chi trả tiền lương, thưởng và chế độ phúc lợi như thế nào cho NLĐ sau khi NSDLĐ tiến hành xử lý KLLĐ bằng hình thức cách chức?
Tiền lương là khoản tiền trên cơ sở thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ được ghi nhận trong HĐLĐ hoặc giữa viên chức Nhà nước với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ghi nhận trong hợp đồng làm việc, còn đối với công chức Nhà nước thì tiền lương được tính dựa trên hệ số lương tương ứng với từng vị trí chức vụ khác nhau. Đồng thời, các quy định của pháp luật có liên quan lại không có quy định hệ quả của việc cách chức là buộc phải giảm lương và các chế độ phúc lợi của NLĐ. Tuy nhiên, theo nguyên tắc công bằng trong việc trả lương “người lao động làm việc tại vị trí, chức vụ nào thì nhận lương và chế độ phúc lợi theo vị trí/ chức vụ đó” thì khi NLĐ nào bị cách chức thì NLĐ đó phải nhận lương và chế độ phúc lợi theo vị trí công việc mới (ví dụ như phụ cấp/trợ cấp, BHXH, ngày phép…) thì mới công bằng. Nếu không thì sẽ bất hợp lý vì khi bị cách chức, trách nhiệm công việc của NLĐ sẽ đương nhiên ít hơn mà vẫn được nhận lương như vị trí công việc trước khi bị cách chức. Trên thực tế, việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức (đối với trường hợp NLĐ có chức vụ) dẫn đến mức lương của công chức, viên chức Nhà nước và NLĐ thay đổi như sau:
- Đối với công chức: lương mới sẽ được tính dựa trên hệ số lương tương ứng với vị trí mới; và
- Đối với NLĐ trong các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp/viên chức: HĐLĐ/hợp đồng làm việc mới tương ứng sẽ được giao kết, trong đó có quy định công việc làm mới và mức tiền lương do các bên tự thỏa thuận.
Đối với trường hợp tăng lương, xét thưởng hằng năm thì việc xác định mức tăng lương, mức thưởng sẽ căn cứ vào Quy chế lương thưởng hay NQLĐ của doanh nghiệp. Ví dụ: “sẽ hoãn hoặc không thực hiện việc tăng lương và xét thưởng hằng năm cho nhân viên đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật lao động”. Xét về tính hợp lý, quy định này là phù hợp vì đối với NLĐ nào đang bị xử lý KLLĐ thì NSDLĐ cần có thời gian xem xét sự cải thiện của NLĐ hoặc chưa biết chắc là NLĐ có thể “tái phạm” hoặc lại có hành vi vi phạm một vụ việc khác có mức độ cao hơn không. Vì thế, sẽ rất khó để NSDLĐ đưa ra quyết định có xét tăng lương, thưởng ngay vào lúc đó hay không cho nên tốt nhất là quy định tạm hoãn sẽ hợp lý hơn.
Nhìn chung, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản nói trên thì mới có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cách chức được và khi đó việc trả lương, thưởng và các chế độ phúc lợi cho họ sau khi cách chức sẽ được thực hiện trên cơ sở các bên thỏa thuận lại. Ngoài ra, về mặt nguyên tắc, khi hết thời gian xử lý KLLĐ mà NLĐ không tái phạm thì sẽ được NSDLĐ khôi phục lại chức vụ trước đó cùng với mức lương và chế độ phúc lợi như trước khi xử lý KLLĐ.