1. Trợ cấp thôi việc của NLĐ là người nước ngoài
Theo quy định, các đối tượng điều chỉnh của BLLĐ bao gồm những đối tượng sau đây[560]: (i) NLĐ, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có mối quan hệ lao động; (ii) NSDLĐ; (iii) NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; và (iv) cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ lao động. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, các điều khoản được quy định tại BLLĐ, bao gồm cả quy định về trợ cấp thôi việc cũng sẽ được áp dụng đối với những NLĐ là người nước ngoài khi làm việc cho những NSDLĐ tại Việt Nam. Theo đó, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức giao kết HĐLĐ, khi chấm dứt HĐLĐ thuộc các trường hợp được pháp luật quy định (trừ trường hợp chấm dứt do NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải), NSDLĐ tại Việt Nam vẫn có trách nhiệm trả các khoản trợ cấp thôi việc nếu NLĐ là người nước ngoài đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho NSDLĐ, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; [561].
Luật Việc làm có quy định là NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và nhu cầu làm việc thì khi làm việc theo HĐLĐ phải tham gia BHTN[562]. Nếu NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì lại không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN. Về ý nghĩa thực tiễn, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Theo đó, NLĐ có tham gia đóng BHTN thì sẽ được Quỹ BHTN chi trả khi bị mất việc làm. Nếu NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN như NLĐ là người nước ngoài hoặc có thời gian làm việc mà không đóng BHTN thì được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp theo quy định của BLLĐ tương ứng cho khoảng thời gian không đóng BHTN.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Về mặt nguyên tắc, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ trong thời gian tìm việc làm mới trên cơ sở đóng vào quỹ BHTN. Theo đó, NLĐ có tham gia đóng BHTN thì khi bị mất việc làm sẽ được quỹ BHTN chi trả, mà không hưởng trợ cấp thôi việc từ NSDLĐ nữa. Vì thế, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc sẽ là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó, thời gian NLĐ đã tham gia BHTN được xác định là thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian NLĐ thuộc diện không phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật nhưng được NSDLĐ chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động và BHTN[563].
Hiện nay, việc tham gia BHTN bắt buộc chỉ áp dụng đối với các đối tượng NLĐ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc[564]. Các đối tượng như NLĐ là người nước ngoài sẽ không buộc phải tham gia BHTN bắt buộc. Tuy nhiên, mặc dù được loại bỏ nghĩa vụ tham gia BHTN nhưng vào mỗi kỳ trả lương cho NLĐ là người nước ngoài, NSDLĐ vẫn phải chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định cho NLĐ là người nước ngoài[565].
Như vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với NLĐ là người nước ngoài sẽ là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi: (i) thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có); và (ii) thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động và BHTN. Với những quy định trên, có thể nhận thấy rằng nếu NLĐ là người nước ngoài đã được chi trả khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN trong quá trình làm việc thì cách tính thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với NLĐ là người nước ngoài cũng được áp dụng tương tự như cách tính đối với NLĐ Việt Nam. Theo thực tiễn giải quyết tranh chấp về yêu cầu thanh toán trợ cấp thôi việc của NLĐ là người nước ngoài, các Tòa án cũng có quan điểm chung như vậy. Theo đó, nếu trong quá trình làm việc, NLĐ là người nước ngoài đã được NSDLĐ chi trả các khoản tiền tương đương với mức BHTN phải đóng cho cơ quan bảo hiểm thì khi đó, khoảng thời gian này sẽ không được xem là thời gian NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc. Ngược lại, nếu trong suốt quá trình làm việc, NLĐ là người nước ngoài không được NSDLĐ chi trả các khoản tiền tương đương mức BHTN phải đóng cho cơ quan bảo hiểm thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính bằng khoảng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ và chỉ trừ đi thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).
Qua những phân tích pháp lý nói trên, NLĐ là người nước ngoài sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt HĐLĐ không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải theo NQLĐ của doanh nghiệp hoặc NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
- Đã giao kết HĐLĐ và có thời gian làm việc liên tục từ đủ 12 tháng trở lên cho NSDLĐ; và
- Không được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc và cáckhoản tiền tương đương mức đóng BHTN trong quá trình làm việc trước khi chấm dứt HĐLĐ.
Trong thực tiễn, đối với việc xử lý các tranh chấp yêu cầu trả trợ cấp thôi việc của NLĐ là người nước ngoài, các Tòa án có thẩm quyền cũng đã từng bác bỏ yêu cầu khởi kiện đòi tiền trợ cấp thôi việc của NLĐ là người nước ngoài với lý do trong quá trình làm việc, NLĐ là người nước ngoài đã được NSDLĐ chi trả các khoản tiền tương đương mức BHTN phải đóng cho cơ quan bảo hiểm. Thêm vào đó, theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, khoảng thời gian mà NLĐ thuộc diện không phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật nhưng được NSDLĐ chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật lao động sẽ được xem là thời gian NLĐ đã tham gia BHTN. Khi đó, khoảng thời gian này sẽ không được xem là thời gian NLĐ là người nước ngoài được hưởng trợ cấp thôi việc. Ngược lại, nếu NLĐ là người nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc và trong suốt quá trình làm việc NLĐ là người nước ngoài không được NSDLĐ chi trả các khoản tiền tương đương mức đóng BHTN theo quy định của BLLĐ thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đối với khoảng thời gian này.
Ngoài ra, quy định của pháp luật lao động chỉ điều chỉnh đối với NLĐ là người nước ngoài giao kết HĐLĐ và làm việc tại Việt Nam nên nếu NSDLĐ nào có sử dụng NLĐ là người nước ngoài nhưng lại làm việc tại một quốc gia khác thì sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động tại nước sở tại. Khi đó, mặc dù được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam nhưng vẫn có thể bị xem như NSDLĐ theo quy định của pháp luật của quốc gia sở tại nơi NLĐ là người nước ngoài làm việc. Tùy thuộc vào các quy định của pháp luật quốc gia đó mà doanh nghiệp sẽ có thể phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu luật định tại đó, bao gồm việc chi trả các khoản tiền trợ cấp (nếu có) có liên quan đến quyền lợi của NLĐ là người nước ngoài khi chấm dứt HĐLĐ.
[560] Điều 2 BLLĐ
[561] Điều 46.1 BLLĐ
[562] Điều 3.1 và Điều 43 Luật Việc làm
[563] Điều 8.3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[564] Điều 43 và Điều 3.1 Luật Việc làm
[565] Điều 168.3 BLLĐ