1. Loại HĐLĐ có thể được giao kết với NLĐ cao tuổi
Khi có nhu cầu, NSDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ cao tuổi, là người đã đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật[568], tiếp tục làm việc cho NSDLĐ và có thể giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn[569]. Quy định của pháp luật lao động không bắt buộc NLĐ cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật là điều kiện bắt buộc trong trường hợp NSDLĐ có nhu cầu muốn sử dụng NLĐ cao tuổi. Tuy nhiên, NSDLĐ không được giao cho NLĐ cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nào mà rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu NSDLĐ không thể đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho họ. Về vấn đề này, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về các chức danh nghề, công việc như được nêu ở trên cho nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xác định nghề, công việc nào của NLĐ sẽ được xem là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Khi có nhu cầu sử dụng NLĐ cao tuổi, NSDLĐ nên cân nhắc và xem xét giao kết với NLĐ cao tuổi HĐLĐ với thời hạn thích hợp cho từng lần nhưng sẽ không quá 12 tháng để đảm bảo điều kiện về sức khỏe của NLĐ cao tuổi theo quy định của pháp luật.
Giả sử nếu NSDLĐ và NLĐ cao tuổi đã giao kết một HĐLĐ không xác định thời hạn trước khi NLĐ cao tuổi đến tuổi nghỉ hưu thì các bên hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn này ngay sau khi NLĐ cao tuổi đến tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[570]. Nếu các bên vẫn tiếp tục mối quan hệ lao động bằng HĐLĐ không xác định thời hạn, thì trên cơ sở định kỳ (12 tháng nếu làm các nghề, công việc bình thường hay 06 tháng nếu làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) theo yêu cầu đối với việc sử dụng NLĐ cao tuổi, NSDLĐ sẽ yêu cầu NLĐ cao tuổi đi khám lại sức khỏe và cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc NLĐ có đủ điều kiện làm việc để qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của NLĐ cao tuổi và phân công việc làm cho NLĐ cao tuổi phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
2. Vấn đề tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ cao tuổi
Luật BHXH quy định người hưởng lương hưu đang giao kết HĐLĐ thì sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc[571]. Vấn đề đặt ra là “người hưởng lương hưu” sẽ được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật?
Điều 169.1 BLLĐ có quy định rằng để xác định có đủ điều kiện hưởng lương hưu hay không, NLĐ cần đáp ứng đầy đủ hai điều kiện sau đây[572]:
- NLĐ đã đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định; và
- NLĐ đã có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, chỉ khi thỏa mãn đầy đủ 02 điều kiện nêu trên, bao gồm tuổi hưu và thời gian đóng BHXH thì NLĐ mới được xem là NLĐ được hưởng lương hưu và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Áp dụng đối với NLĐ cao tuổi, sẽ dễ dàng nhận thấy rằng không phải lúc nào NLĐ cao tuổi cũng được xem là NLĐ được hưởng lương hưu bởi vì NLĐ cao tuổi chỉ có thể đáp ứng được một điều kiện của người hưởng lương hưu là độ tuổi mà thôi. Do đó, để xét một NLĐ cao tuổi có được xem là NLĐ được hưởng lương hưu hay không còn phải xem xét thêm điều kiện về thời gian đóng BHXH của NLĐ cao tuổi đó. Như vậy, nếu NLĐ cao tuổi chưa có đủ thời gian 20 năm đóng BHXH, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì NLĐ cao tuổi vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Về vấn đề BHYT, NLĐ được hưởng lương hưu sẽ thuộc đối tượng tham gia BHYT và mức đóng BHYT sẽ do tổ chức BHXH đóng cho NLĐ[573]. Nếu NLĐ cao tuổi không có đủ thời gian 20 năm đóng BHXH thì phải tự đóng BHYT theo mức quy định (NLĐ đóng 1,5% và doanh nghiệp đóng 3% trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH).
Cũng cần lưu ý rằng đối với NLĐ là người nước ngoài nào đang hưởng lương hưu tại Quốc gia mà NLĐ là công dân thì sẽ không đương nhiên được xem là đã hội đủ điều kiện để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
[568] Điều 169.2 BLLĐ và Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/11/2020
[569] Điều 149.1 BLLĐ
[570] Điều 35.2.(e) và Điều 36.1.(đ) BLLĐ
[571] Điều 123.9 Luật BHXH
[572] Điều 54.1 Luật BHXH và Điều 219 BLLĐ
[573] Điều 12 và Điều 13 Luật BHYT