Câu hỏi 199. Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định như thế nào về thuật ngữ “tội phạm” trong lĩnh vực lao động?

Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2015 được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20/06/2017 (“BLHS 2015 sửa đổi 2017”). Theo đó, lần đầu tiên một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động đã được quy định thành tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015 sửa đổi 2017, ngoài ra còn quy định chi tiết hành vi vi phạm, làm rõ khung hình phạt đối với một số tội phạm trong lĩnh vực lao động đã được quy định trước đây, cụ thể như sau:

  • Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải NLĐ trái pháp luật[601];
  • Tội gian lận BHXH, BHTN[602];
  • Tội gian lận BHYT[603];
  • Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ[604];
  • Tội vi phạm quy định về ATLĐ, VSLĐ, về an toàn ở những nơi đông người[605];
  • Tội vi phạm quy định về sử dụng NLĐ dưới 16 tuổi[606]; và
  • Tội cưỡng bức lao động[607].

Các hình phạt đối với các tội danh này rất cao, ví dụ như hình phạt tiền có thể lên đến 03 tỷ đồng, ngoài ra người nào có hành vi vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và thậm chí là chịu hình phạt tù lên đến 12 năm. Cũng theo quy định mới của BLHS 2015 sửa đổi 2017, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ cũng được áp dụng đối với NSDLĐ là pháp nhân để xử lý hình sự. Những quy định nói trên của BLHS 2015 sửa đổi 2017 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.


[601] Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[602] Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[603] Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[604] Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[605] Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[606] Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017

[607] Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017