Chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn
Tùy theo tình huống thực tế, việc hai người nam nữ chung sống với nhau mà không có đăng ký kết hôn được pháp luật công nhận hoặc không được công nhận là có quan hệ vợ chồng. Nếu việc sống chung này được pháp luật công nhận, khi họ không còn muốn sống chung với nhau nữa, việc thực hiện thủ tục ly hôn có thể được tiến hành theo ý chí của một trong hai bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên và làm thủ tục ly hôn theo hình thức thuận tình ly hôn hay đơn phương xin ly hôn theo quy định. Ngược lại, nếu việc sống chung này không được pháp luật công nhận, và khi không còn muốn sống chung với nhau nữa, họ sẽ không có nghĩa vụ tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Các trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp 01: Hai người nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa có đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân sẽ được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng dù hai người có tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn hay không[1]. Khi họ không còn muốn sống chung với nhau nữa, việc tiến hành thủ tục ly hôn có thể được tiến hành theo yêu cầu của các bên và được thực hiện theo các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp 02: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà chưa đăng ký kết hôn. Việc ly hôn giữa hai người sẽ được giải quyết như sau:
- Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003, nếu vợ, chồng chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, Tòa án có thẩm quyền sẽ thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần lưu ý là, nếu vợ chồng thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã được xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày họ đăng ký kết hôn;
- Kể từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003, nếu vợ chồng chưa đăng ký kết hôn theo quy định thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Do đó, dù vợ chồng có yêu cầu ly hôn, Tòa án cũng sẽ không giải quyết ly hôn cho họ. Trong trường hợp này, Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.
3. Trường hợp 03: Nam nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi mà không có đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ giải quyết tương tự như trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 vẫn chưa đăng ký kết hôn.
Việc nam nữ chung sống với nhau mà được xem như là chung sống như vợ chồng nếu đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định và có một trong những biểu hiện sau đây:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; và
- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc của cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình[3].
Trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn và không được pháp luật công nhận, trước khi Tòa án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan đến quan hệ tài sản, nghĩa vụ với con cái và trách nhiệm của họ đối với các hợp đồng của hai bên, hai bên có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng mức độ vi phạm. Đặc biệt, trong trường hợp hai bên vi phạm điều cấm của pháp luật thì hình thức xử phạt và mức xử phạt sẽ cao hơn các trường hợp khác, cụ thể đó là trường hợp “chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”[5].
Xử lý các quan hệ tài sản, nghĩa vụ đối với con cái và trách nhiệm đối với các hợp đồng của hai bên không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng
Nếu hai bên chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn và không được pháp luật công nhận như các trường hợp nêu trên, bên cạnh việc tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, theo yêu cầu của các bên về nuôi con và chia tài sản, Tòa án thụ lý vụ án sẽ giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con khi cha mẹ ly hôn; vấn đề tài sản giữa nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và trách nhiệm của họ đối với các hợp đồng của hai bên sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì vấn đề sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập[7].
[1] Điều 44.2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
[2] Article 44.2 of the Decree 123/2015/ND-CP.
[3] Điều 2.(d) Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
[5] Điều 2.1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Điều 5.2.(d) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP; Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
[7] Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP; Điều 14, 15, 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.