- Các trường hợp phải báo trước khi chấm dứt HĐLĐ
Theo quy định của BLLĐ, khi NSDLĐ hoặc NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì không phải trong mọi trường hợp, NSDLĐ hoặc NLĐ đều phải tuân thủ thời hạn báo trước “theo ngày làm việc”. Theo đó, tùy thuộc vào loại HĐLĐ và lý do chấm dứt được BLLĐ quy định mà thời hạn báo trước sẽ được tính theo ngày làm việc hoặc ngày Dương lịch. Cụ thể như sau:
1.1 Nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Nếu loại HĐLĐ giao kết là HĐLĐ xác định thời hạn và lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ là từ phía NSDLĐ mà thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; (ii) do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; (iii) NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; (iv) NLĐ cung cấp không trung thực những thông tin theo Điều 16.2 BLLĐ khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ, thì thời hạn mà NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ ít nhất là 30 ngày đối với HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc ít nhất 03 ngày làm việc đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng [61].
Nếu loại HĐLĐ giao kết là HĐLĐ không xác định thời hạn và lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng từ phía NSDLĐ thuộc một trong các trường hợp tương tự như HĐLĐ xác định thời hạn nêu trên, thì thời hạn mà NSDLĐ phải thông báo trước cho NLĐ ít nhất là 45 ngày[62].
Nếu lý do chấm dứt HĐLĐ là vì NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với NLĐ nào làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục, thì thời hạn mà NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ ít nhất là 03 ngày làm việc[63].
Nếu lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ phía NSDLĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn theo Điều 31 BLLĐ; (ii) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì NSDLĐ không cần báo trước cho NLĐ[64].
1.2 Nếu NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Nếu NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng, thì thời hạn mà NLĐ phải báo trước cho NSDLĐ ít nhất là 03 ngày làm việc[65].
Nếu NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, thời hạn mà NLĐ phải báo trước cho NSDLĐ ít nhất là 30 ngày[66].
Nếu NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, thì thời hạn báo trước cho NSDLĐ ít nhất là 45 ngày[67].
1.3 Đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối các trường hợp đặc thù
Nếu NLĐ nào làm việc trong một số ngành, nghề công việc đặc thù sau đây[8]:
- Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
- Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài; và
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thì thời hạn báo trước được đặt ra cho cả NLĐ và NSDLĐ như sau:
- Ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; và
- Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, thời hạn báo trước mà NSDLĐ hoặc NLĐ phải thông báo cho bên còn lại sẽ được tính theo ngày làm việc hoặc ngày lịch tùy vào từng trường hợp cụ thể như đã được phân tích như trên.
2. Thời hạn báo trước theo “ngày làm việc” có bao gồm những ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ hằng năm; các ngày lễ, Tết; các ngày nghỉ việc riêng; các ngày nghỉ không hưởng lương không?
Không có quy định nào của BLLĐ hướng dẫn cụ thể cho cách hiểu của “ngày” và “ngày làm việc” để báo trước khi chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật lao động, có thể hiểu rằng, ngày làm việc chính là ngày mà NLĐ phải làm việc theo NQLĐ đã đăng ký của từng doanh nghiệp. Cho nên, đối với những ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ hằng năm, ngày lễ, Tết, ngày nghỉ việc riêng, ngày nghỉ việc không hưởng lương, vì không phải là ngày mà NLĐ phải làm việc, cho nên đương nhiên sẽ không được xem là ngày làm việc của NLĐ để tính vào thời hạn báo trước theo ngày làm việc. Theo đó, nếu BLLĐ quy định là “ngày” thì thời hạn báo trước sẽ bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ hằng năm, ngày lễ, Tết, ngày nghỉ việc riêng, ngày nghỉ không hưởng lương. Còn nếu BLLĐ quy định là “ngày làm việc” thì thời hạn báo trước sẽ không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ hằng năm, ngày lễ, Tết, ngày nghỉ việc riêng, ngày nghỉ không hưởng lương.
[61] Điều 36.1(a), 36.1 (b), 36.1(c); 36.1(đ), Điều 36.2(b), và 36.2 (c) BLLĐ
[62] Điều 35.1(c) BLLĐ
[63] Điều 36.1 (b) và và Điều 36.2 (c) BLLĐ
[64] Điều 36.1 (d), 36.1 (e) và Điều 36.3 BLLĐ
[65] Điều 35.1 (c) BLLĐ
[66] Điều 35.1 (b) BLLĐ
[67] Điều 35.1 (a) BLLĐ
[68] Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020