Câu hỏi 32. Khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, nếu NLĐ được NSDLĐ thanh toán tiền lương cho những tháng làm việc còn lại theo HĐLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn, NSDLĐ có phải trả tiền lương một lần cho NLĐ hay có thể trả từng tháng cho đến khi HĐLĐ hết hạn?

  1. Khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, NSDLĐ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với NLĐ như thế nào?

Theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt HĐLĐ trong thời gian thực hiện hợp đồng[99]. Trên thực tế, khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ và NLĐ sẽ ký một thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ mà trong đó có quy định cụ thể các nghĩa vụ tài chính mà NSDLĐ phải thực hiện đối với NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, cụ thể NSDLĐ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau đây:

1.1 Các khoản tiền mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ

Theo quy định của BLLĐ, trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, các bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Các khoản tiền mà NSDLĐ phải thanh toán cho NLĐ sẽ bao gồm[100]:

  • Tiền lương theo HĐLĐ đã ký kết giữa NSDLĐ và NLĐ;
  • Tiền lương tương ứng với số ngày phép năm mà NLĐ chưa sử dụng[101]; và
  • Trợ cấp thôi việc cho NLĐ nào đã làm việc cho NSDLĐ thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương cho khoảng thời gian làm việc cho NSDLĐ mà NLĐ không đóng BHTN[102].

Ngoài các khoản thanh toán được đề cập ở trên, thông thường, khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ sẽ trả thêm cho NLĐ một khoản tiền được xem như là khoản hỗ trợ của doanh nghiệp để NLĐ đi tìm công việc mới. Đổi lại, NLĐ đồng ý chấm dứt mối quan hệ lao động với NSDLĐ và miễn trừ NSDLĐ mọi nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý (nếu có) có liên quan đến mối quan hệ lao động giữa các bên theo HĐLĐ đã ký để tránh các tranh chấp phát sinh không đáng có sau này.

1.2 TTNCN và các khoản BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc

Khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn và giải quyết cho NLĐ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật lao động, NSDLĐ sẽ phải khấu trừ và giữ lại trước khi thanh toán cho NLĐ các khoản tiền sau đây:

  • TTNCN của NLĐ

Khoản tiền mà NLĐ nhận được từ NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, ngoại trừ khoản tiền trợ cấp thôi việc theo quy định (nếu có), là thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc đối tượng chịu TTNCN theo quy định của Luật TTNCN[103]. Do đó, NSDLĐ, như là tổ chức chi trả thu nhập thuộc diện chịu TTNCN, có nghĩa vụ khấu trừ và giữ lại khoản tiền TTNCN mà NLĐ có nghĩa vụ phải đóng theo quy định của Luật TTNCN để nộp cho kho bạc Nhà nước thay mặt cho NLĐ.

  • BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc

Theo quy định của pháp luật bảo hiểm, hằng tháng hoặc định kỳ 03 tháng, 06 tháng tùy theo phương thức đóng của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ trích từ tiền lương của NLĐ một khoản tiền để đóng BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc theo các mức quy định để chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH[104]. Như vậy, khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ sẽ trích từ tiền lương của NLĐ khoản tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN bắt buộc để đóng cho cơ quan BHXH có thẩm quyền.

2. Nếu NSDLĐ có thỏa thuận thanh toán cho NLĐ tiền lương của những tháng làm việc còn lại cho đến khi HĐLĐ hết hạn, thì NSDLĐ phải trả tiền lương một lần hay có thể trả từng tháng đến khi HĐLĐ hết hạn?

Về mặt nguyên tắc, việc chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn là do NSDLĐ và NLĐ có thỏa thuận với nhau. Cho nên, trên thực tế, NSDLĐ có thể thỏa thuận thanh toán cho NLĐ khoản tiền lương cho những tháng làm việc còn lại cho đến khi HĐLĐ hết hạn. Trong trường hợp này, tùy theo sự thỏa thuận giữa các bên, NSDLĐ có thể thanh toán tiền lương cho NLĐ cho những tháng còn lại bằng một trong hai phương án: (i) trả một lần vào kỳ lương khi chấm dứt HĐLĐ; hoặc (ii) trả hằng tháng cho đến thời điểm HĐLĐ hết hạn.

  • Đối với phương án trả tiền lương một lần cho những tháng còn lại của HĐLĐ vào ngay kỳ lương khi chấm dứt HĐLĐ, khi đó HĐLĐ sẽ được xem như được chấm dứt hoàn toàn tại thời điểm NSDLĐ trả lương và các bên không phải chi trả các khoản bảo hiểm bắt buộc cho khoảng thời gian còn lại. Tuy nhiên, nếu chọn phương án này thì tổng thu nhập mà NLĐ nhận được sẽ chịu thuế và được tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần dẫn đến khả năng số tiền TTNCN phải đóng sẽ cao hơn mức bình thường được khấu trừ hàng tháng. Nếu NLĐ được trả lương thực nhận đã trừ các khoản thuế và phí (lương net) thì tiền TTNCN mà NSDLĐ phải chịu thay cho NLĐ lúc này sẽ cao hơn so với số TTNCN mà NSDLĐ phải trả hằng tháng. Tương tự, nếu NLĐ được trả lương gộp trước khi trừ các khoản TTNCN và phí (gross), việc chi trả số tiền TTNCN của số tháng tiền lương cao như vậy (hơn mức lũy tiến từng phần hằng tháng trước đây) có thể dẫn đến khả năng NLĐ không chấp nhận phương án thanh toán này. 
  • Đối với phương án trả tiền lương hằng tháng cho NLĐ cho đến thời điểm HĐLĐ hết hạn, TTNCN sẽ được tính theo mức lũy tiến từng phần trên mức lương mỗi tháng mà NLĐ nhận được như bình thường. Số tiền TTNCN phải đóng khi đó sẽ thấp hơn số tiền TTNCN của tổng số tháng còn lại của HĐLĐ cho nên nếu lĩnh lương gộp trước khi trừ các khoản thuế và phí, NLĐ sẽ có xu hướng lựa chọn phương án thanh toán từng tháng hơn là phương án thanh toán một lần. Tuy nhiên, về phương diện quan hệ lao động, sẽ có những vấn đề pháp lý như sau cho NSDLĐ nếu phương án trả tiền lương hằng tháng được chọn:
  • Việc trả lương hằng tháng cho đến thời điểm HĐLĐ hết hạn cũng đồng nghĩa với việc mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm HĐLĐ chấm dứt. Điều đó dẫn đến việc mục đích chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn giữa các bên chưa được thực hiện một cách trọn vẹn;
  • Liên quan đến các loại bảo hiểm bắt buộc, do còn tồn tại mối quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ nên các bên có thể vẫn phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định; và
  • Quy định của BLLĐ không cho phép việc NLĐ giao kết HĐLĐ với NSDLĐ nhưng trên thực tế lại không có sự giao việc của NSDLĐ dẫn đến việc sẽ không có sự thực hiện công việc của NLĐ như đã thỏa thuận trong HĐLĐ. Do đó, việc NLĐ được trả lương hằng tháng cho NLĐ cho đến khi HĐLĐ hết hạn nhưng trên thực tế không làm việc cho NSDLĐ có thể được xem là chưa phù hợp với yêu cầu của pháp luật lao động. Bên cạnh đó, khoản chi tiền lương cho khoảng thời gian mà NLĐ thực tế không làm việc có thể bị xuất toán theo quy định về TTNDN.

Như vậy, cả hai phương án (1) và (2) nêu trên đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng và trên thực tế việc lựa chọn phương án thanh toán lương nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc đàm phán và thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ. Tuy nhiên, phương án (1) sẽ đảm bảo được HĐLĐ giữa NLĐ và NSDLĐ chấm dứt một cách hoàn toàn, trọn vẹn, tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh cho NSDLĐ có liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ.


[99] Điều 34.3 BLLĐ

[100] Điều 48 BLLĐ

[101] Điều 113.2 và 113.3 BLLĐ

[102] Điều 46 BLLĐ

[103] Điều 2.2 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/08/2013

[104] Điều 31.1.2 Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 14/04/2017