Theo quy định tại Điều 125 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định về việc công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình như sau:
1. Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Chính phủ quy định việc ghi vào sổ hộ tịch các việc về hôn nhân và gia đình theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam; quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài.”
Từ những quy định trên, áp dụng quy định của Luật Tố tụng dân sự, để một bản án, quyết định ly hôn ở nước ngoài có hiệu lực tại Việt Nam thì bản án, quyết định ly hôn đó phải được Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và thi hành[1]. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc Tòa án Việt Nam có thẩm quyền để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó[2].
Trong trường hợp gửi đơn yêu cầu cho Bộ Tư pháp, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền[5]. Tiếp theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có yêu cầu gửi đến, Tòa án sẽ xem xét, thụ lý hồ sơ và thông báo cho người có đơn yêu cầu, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, để một bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Việt Nam. Đơn cử như việc xác định thẩm quyền đối với quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu bất động sản nằm trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Do đó, giả sử nếu có một bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có liên quan đến bất động sản tại Việt Nam thì sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Khi đó, trừ trường hợp các bên đạt được thỏa thuận giải quyết ngoài Tòa án, nếu không thì các bên phải thực hiện thủ tục khởi kiện một vụ án độc lập khác tại Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam để giải quyết các tài sản là bất động sản tại Việt Nam.
[1] Điều 427 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[2] Điều 432 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 435 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.