Câu hỏi 4: Hồ sơ xin ly hôn phải bao gồm những loại giấy tờ gì? Làm bao nhiêu bộ hồ sơ? Đơn xin ly hôn phải bao gồm những nội dung gì?

  1. Hồ sơ xin ly hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, có hai cách thức giải quyết việc ly hôn, cụ thể như sau:

Trường hợp 01: Yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản sau ly hôn[1].

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu thuận tình ly hôn mà hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; một trong hai bên là vợ, chồng có quyền yêu cầu nộp hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền[3]. Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
  • Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
  • Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của vợ chồng (bản sao có chứng thực);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực) nếu có con chung; và
  • Giấy tờ tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ có giá, v.v., trong trường hợp có tài sản chung của vợ chồng cần chia.

Trường hợp 02: Yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án ly hôn

Trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên hoặc có tranh chấp trong ly hôn, một trong hai bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai bên hoặc bên thứ ba trong một số trường hợp theo pháp luật quy định có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án ly hôn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, hồ sơ ly hôn sẽ bao gồm các giấy tờ như sau:

  • Đơn xin ly hôn;
  • Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của vợ chồng (bản sao có chứng thực);
  • Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực) nếu có con chung; và
  • Giấy tờ tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ có giá, v.v., trong trường hợp có tranh chấp về chia tài sản.

Trong cả hai trường hợp nêu trên, nếu vợ chồng kết hôn tại Việt Nam mà một trong hai người (vợ hoặc chồng) xuất cảnh và không có địa chỉ cụ thể bên nước ngoài thì cần bổ sung thêm vào hồ sơ “Giấy chứng nhận của chính quyền địa phương về việc xuất cảnh của một trong hai vợ chồng”. Ngoài ra, nếu hai bên đã đăng ký kết hôn theo pháp luật của nước ngoài nhưng lại muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp[5] và làm thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch việc kết hôn tại Phòng Tư pháp cấp huyện rồi mới nộp đơn xin ly hôn[6]. Trong trường hợp các bên không tiến hành thủ tục ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn để Tòa án xem xét và giải quyết trong từng trường hợp cụ thể.

2. Số lượng hồ sơ

Nguyên đơn là vợ hoặc chồng sẽ nộp 01 bộ hồ sơ như được nêu ở trên tại Tòa án có thẩm quyền, làm cơ sở để Tòa án xem xét và giải quyết.

3. Nội dung của Đơn xin ly hôn

Đơn ly hôn phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015[9] bao gồm: Ngày, tháng, năm làm đơn xin ly hôn; Tên Tòa án nhận đơn xin ly hôn; Tên, nơi cư trú, làm việc của cả hai bên vợ và chồng; Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có); Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án ly hôn; Họ tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); và Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

Trong đó, tại phần nội dung “Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án ly hôn”, hai bên có thể tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:

  • Về con chung: Ghi đầy đủ thông tin (các) con chung (tên, ngày tháng năm sinh, v.v,) và nguyện vọng nuôi con (nếu có);
  • Về tài sản chung: Liệt kê các thông tin tài sản hiện có của vợ chồng, giá trị tài sản, yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng (nếu có);
  • Về nợ chung: Cần ghi rõ số nợ chung, tài sản nợ, thời hạn trả nợ, yêu cầu phân chia nghĩa vụ trả nợ (nếu có); và
  • Về yêu cầu cấp dưỡng: Đưa ra yêu cầu cấp dưỡng đối với bên không trực tiếp nuôi con.

Đơn xin ly hôn cần được viết đầy đủ, ngắn gọn các nội dung theo mẫu của Tòa án để tránh trường hợp đơn bị trả về hay bị yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung lại cho đúng mẫu làm mất thêm thời gian chờ đợi.


[1] Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 35.1.(a), Điều 35.2.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 124 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[6] Điều 48 và Điều 50 Luật Hộ tịch 2014, Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP..

[9] Điều 189.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.