Câu hỏi 40: Trong vụ án ly hôn, các cấp xét xử sẽ bao gồm những cấp tòa nào? Thời gian thụ lý và tiến hành xét xử cho đến khi có quyết định của Tòa án của từng cấp tòa tối đa là bao lâu? Có trường hợp ngoại lệ nào không?

Cũng giống như các vụ án dân sự khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, có hai cấp xét xử trong vụ án ly hôn: phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm. Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự[1], cụ thể như sau:

  1. Phiên tòa sơ thẩm

Về thời gian thụ lý:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu ly hôn của đương sự, Chánh án của Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện[3] và quyết định có tiến hành thủ tục thụ lý vụ án hay không. Nếu đơn khởi kiện hợp lệ, người nộp đơn có thời hạn 07 ngày để đóng tạm ứng án phí và Tòa án sẽ thụ lý sau khi người nộp đơn đã nộp biên lai đóng tạm ứng án phí.

Thời gian tiến hành xét xử cho đến khi có quyết định của Tòa án:

Với các trường hợp thông thường mà không phát sinh các tình huống như đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, thời gian giải quyết ly hôn đối với trường hợp đơn phương ly hôn là 04 tháng kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

2. Phiên tòa phúc thẩm

Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị của đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng kể từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án. Do đó, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm sau khi tuyên chỉ có hiệu lực nếu không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tuyên án.

Về thời gian thụ lý

Như đã được đề cập ở trên, nếu trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà bản án của Tòa cấp cấp sơ thẩm bị đương sự kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị thì có thể bắt đầu giai đoạn xét xử phúc thẩm[5]. Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của đơn kháng cáo, kháng nghị. Nếu đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm người nộp sẽ báo và người nộp đơn sẽ có 10 ngày để đóng án phí phúc thẩm và Tòa án cấp sơ thẩm sẽ thụ lý đơn kháng cáo sau khi người nộp đơn nộp biên lai đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Đối với kháng nghị thì Tòa án sẽ thụ lý ngay khi xét thấy kháng nghị hợp lệ.

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, thời hạn này có thể kéo dài thêm 01 tháng.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

3. Các trường hợp ngoại lệ

Thời gian thụ lý và tiến hành xét xử cho đến khi có quyết định của Tòa án được nêu ở trên chỉ là thời gian áp dụng cho các vụ án ly hôn thông thường. Đối với các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, thì thời gian có thể lâu hơn tùy theo các tình tiết và sự việc trong các vụ án đó. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho các đương sự ở nước ngoài. Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng kể từ ngày Tòa án ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng. Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Tóa án ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng[7]. Ngoài ra, trước khi mở phiên họp hòa giải, cần phải xác nhận đến thủ tục ủy thác tư pháp, thời hạn xem xét giấy tờ, văn bản cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, thời hạn xét giải quyết vụ án dân sự, v.v. Hiện chưa có quy định cụ thể nào về thời gian thực hiện việc ủy thác tư pháp. Bên cạnh đó, việc thực hiện ủy thác tư pháp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, các điều ước quốc tế có liên quan. Chính những điều này dẫn đến việc giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể sẽ kéo dài lâu hơn so với một vụ án ly hôn thông thường.

Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án ly hôn có thể bị kéo dài nếu xảy ra các căn cứ để tạm đình chỉ vụ án theo quy định. Bên cạnh đó, ngay cả khi phiên tòa được mở thì thời gian phiên tòa sẽ kéo dài bao lâu cũng khó có thể xác định được, bởi vì Tòa án có thể tạm ngừng hoặc hoãn phiên tòa khi xảy ra một trong những căn cứ pháp lý mà pháp luật cho phép Tòa án tạm ngừng hoặc hoãn phiên tòa, hoặc phiên tòa có thể kéo dài nhiều ngày nếu vụ án quá phức tạp.


[1] Điều 53.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 273.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Điều 476.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.