Thành phần Hội đồng xét xử trong vụ án ly hôn sẽ giống với các vụ án dân sự khác. Đối với phiên tòa sơ thẩm, thông thường Hội đồng xét xử vụ án gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân. Đối với giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn thường gồm 03 Thẩm phán.
Trong trường hợp vụ án ly hôn bị giám đốc thẩm, tái thẩm, Hội đồng xét xử trong sẽ bao gồm ba Thẩm phán hoặc toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao (nếu giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án Nhân dân cấp cao); bao gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (nếu giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án Nhân dân tối cao)[1].
Trong một vụ án dân sự, pháp luật luôn đặt ra vấn đề Tòa án phải ra một bản án “hợp tình, hợp lý” nhất có thể, không những đúng căn cứ pháp luật mà còn phù hợp với nguyện vọng của các đương sự. Đây là cơ sở cho quy định Hội đồng xét xử vụ án không chỉ có Thẩm phán mà còn có các Hội thẩm nhân dân. Cả Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân đều là những người tiến hành xét xử vụ án ly hôn, có các quyền hạn gần tương đương nhau trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, tính chất và vai trò của họ cũng có không ít khác biệt, nhằm mục đích hỗ trợ cho nhau trong việc ra bản án hợp tình, hợp lý. Sau đây sẽ phân tích vai trò của Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân trong việc giải quyết vụ án ly hôn.
- Giống nhau:
- Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân đều là các thành viên của Hội đồng xét xử các vụ án dân sự nói chung và các vụ án ly hôn nói riêng, có quyền biểu quyết ngang nhau trong việc giải quyết vụ án, bao gồm ra các bản án, quyết định về vụ án, quyết định áp dụng hay hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng và các quyết định khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; và
- Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án ly hôn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Độc lập ở đây có nghĩa là dựa trên những chứng cứ và quy định của pháp luật để đưa ra quyết định về vụ án mà không phụ thuộc vào bất cứ sự tác động nào khác. Không ai có quyền can thiệp vào việc ra các quyết định của Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc đưa ra quyết định; và
- Đều có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án.
2. Khác nhau:
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng như trên, vai trò của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong một vụ án ly hôn vẫn có nhiều điểm khác biệt, xuất phát từ tính chất công việc của mỗi người. Thẩm phán là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, phải trải qua quá trình chọn lọc, bổ nhiệm rất chặt chẽ để trở thành người thay mặt Nhà nước thực hiện việc xét xử. Trong khi đó, Hội thẩm nhân dân đa phần là kiêm nhiệm, họ có thể là công chức, viên chức hoặc những người hoạt động trong các ngành, nghề khác và được bầu thay vì bổ nhiệm. Trên thực tế, các tiêu chuẩn đặt ra để được bầu hoặc cử làm Hội thẩm nhân dân còn mang tính định lượng, và đa số họ được trang bị kiến thức rất cơ bản về pháp luật nên khi tham gia các phiên tòa, quyết định của họ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sống là chính. Chính vì vậy, về mặt lý thuyết thì họ ngang quyền với Thẩm phán trong việc đưa ra các quyết định nhưng về mặt chuyên môn thì hiện còn nhiều hạn chế trong một số trường hợp nhất định. Vì thế, quy định của pháp luật đã phân cho họ những vai trò khác nhau trong việc giải quyết vụ án ly hôn.
Giai đoạn | Thẩm phán | Hội thẩm nhân dân |
Trước khi xét xử | Thẩm phán có vai trò giải quyết vụ án ly hôn từ thời điểm tiếp nhận đơn khởi kiện vụ án ly hôn cho đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng liên quan đến vụ án trong giai đoạn này đều do Thẩm phán thực hiện (sau khi được Chánh án Tòa án phân công). Một số vai trò có thể kể đến là: Xử lý đơn khởi kiện; lập hồ sơ vụ án; thu thập tài liệu, chứng cứ; tổ chức phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn này; quyết định đưa vụ án ra xét xử, v.v.. | Không có vai trò trong giai đoạn này. |
Tại phiên tòa | Tham gia xét xử tại ở phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, phiên tòa giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Làm chủ tọa phiên tòa hoặc tham gia phiên tòa. | Chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm. Chỉ tham gia mà không bao giờ làm chủ tọa. |
Kết thúc phiên tòa | Thực hiện các thủ tục tống đạt bản án, xử lý kháng cáo, kháng nghị (nếu có) | Không có vai trò trong giai đoạn này. |
Mặc dù vai trò cũng như trình độ, kiến thức pháp lý của các Hội thẩm nhân
dân khá là hạn chế so với Thẩm phán nhưng sự tham gia của các Hội thẩm nhân dân
là không thể thiếu trong việc giải quyết vụ án ly hôn thông thường, để đảm bảo
Tòa án có thể ra được những phán quyết hợp tình hợp lý cho các bên. Qua bảng so
sánh nêu trên, có thể nhận thấy rằng, Hội thẩm nhân dân có vai trò chủ yếu trong
giai đoạn xét xử. Xét trong bối cảnh Việt
Nam hiện
nay, vai trò này là hợp lý. Thẩm phán là người được đào tạo từ căn bản đến
chuyên sâu về các kỹ năng xét xử từ thụ lý vụ án, phân loại, tổ chức hồ sơ, xem
xét chứng cứ, v.v.. Do đó, Thẩm phán được giao nhiệm
vụ thực hiện tất cả các giai đoạn của quy trình tố tụng dân sự, bảo đảm vụ việc
dân sự về mặt pháp lý. Các Hội thẩm nhân dân, ở một phương diện
nào đó, không phải nhận trách nhiệm bảo đảm vụ việc được tiến hành tuân thủ quy
định của Luật Tố tụng dân sự, mà vai trò chính của họ thể hiện qua việc hỗ trợ
Thẩm phán trong việc xem xét vụ việc ở nhiều góc độ khác nhau, hạn chế nguy cơ
phiến diện, một chiều, áp dụng quy định của pháp luật một cách máy móc, rập khuôn, giúp Tòa án cho ra một bản án
thuyết phục, hạn chế các đương sự ấm ức, không phục mà thực hiện các thủ tục tố
tụng khác gây mất thời gian, công sức cho việc giải quyết. Do đó, thông thường Hội thẩm nhân dân sẽ là những người có nghề nghiệp
khác nhau tùy tính chất của vụ án, như nhà giáo, thành viên đoàn thanh niên, hội
phụ nữ, người cao tuổi, bác sĩ, kiến trúc sư,
v.v..
[1] Chương V Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.