Câu hỏi 43: Trong vụ án ly hôn, trong những trường hợp nào thì Thẩm phán được quyền cho hoãn phiên tòa?

Trong quá trình giải quyết vụ án trên thực tế, có không ít các trường hợp xảy ra những tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp, khiến cho việc xét xử không thể tiếp tục, hoặc nếu xét xử sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự, hoặc sẽ không đảm bảo được sự chính xác, khách quan, công bằng của vụ án. Trong những trường hợp như vậy, Luật Tố tụng dân sự đã trao cho Tòa án cũng như các đương sự một số cách thức để khắc phục những bất lợi đó. Một trong những cách thức nói trên chính là việc hoãn phiên tòa để tổ chức phiên tòa khác, theo đó Thẩm phán được quyền cho hoãn phiên tòa trong vụ án ly hôn trong các tính huống sau:

  1. Hoãn phiên tòa do có sự thay đổi người tiến hành tố tụng

Trong vụ án ly hôn, không hiếm có các trường hợp xảy ra là những người tiến hành tố tụng chẳng hạn như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký phiên tòa, kiểm sát viên có mối quan hệ thân thích hoặc những lợi ích liên quan đến một trong các đương sự. Lúc này, khó có thể đảm bảo rằng, họ sẽ hoàn toàn công tâm, khách quan trong việc giải quyết vụ án. Thông thường, những người này sẽ không được phân công hoặc phải chủ động từ chối giải quyết vụ án ly hôn đó. Tuy nhiên, trong trường hợp vì không biết rõ mà Chánh án vẫn phân công họ và họ không từ chối thì tại phiên tòa, các đương sự có quyền yêu cầu thay đổi những người này để bảo vệ quyền lợi cho mình. Các đương sự sẽ đưa ra yêu cầu đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi người tiến hành tố tụng chẳng hạn như Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên và chứng cứ, lập luận cho yêu cầu. Hội đồng xét xử sẽ quyết định theo đa số liệu việc thay đổi này có phù hợp với quy định của pháp luật không. Trong trường hợp người tiến hành tố tụng bị thay đổi thì phiên tòa sẽ được hoãn[1].

2. Hoãn phiên tòa do có sự thay đổi người tham gia tố tụng khác

Cũng tương tự như vậy, tại phiên tòa ly hôn, việc thay đổi người giám định, người phiên dịch (khi có các lý do hợp lý là những người này không thể công tâm, khách quan trong việc tham gia vụ án) do Thẩm phán, Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trong trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp[3].

3. Hoãn phiên tòa do có sự vắng mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất trong phiên tòa ly hôn, nếu có sự vắng mặt của bất kỳ vợ hoặc chồng hoặc người đại diện của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ hoặc chồng (ví dụ như luật sư, trợ giúp viên pháp lý) thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp những người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đương sự, tạo cơ hội cho họ cũng như những người đại diện, người bảo vệ quyền của họ tham gia phiên tòa lần sau. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này thường bị các bên không có thiện chí lợi dụng để hoãn phiên tòa, gây khó khăn, tốn kém thời gian, công sức cho bên còn lại. Trong trường hợp này, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, khi Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, các đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nếu không, Tòa án vẫn sẽ tiến hành xét xử dù vắng mặt những người này. Mặc dù vậy, nếu họ vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan (chẳng hạn như bị đột ngột phải nhập viện, bị tai nạn trên đường đi, v.v.) thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa[5]. Việc hoãn này phụ thuộc vào quyết định của Tòa án mà không phải bắt buộc hoãn phiên tòa. Nếu không phải vì lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan, việc các đương sự vắng mặt tại phiên tòa có thể là nguyên nhân để Tòa án đình chỉ xem xét yêu cầu của họ (họ bị coi là đã từ bỏ yêu cầu nếu vắng mặt mà không có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).

4. Hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng khác

Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của những người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án[7]. Mặc dù vậy, nếu những người làm chứng trước đó đã có lời khai gửi đến Tòa án thì Hội đồng xét xử sẽ không hoãn phiên tòa.

Đối với người giám định vắng mặt, Hội đồng xét xử sẽ quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa, tùy thuộc quan điểm của Hội đồng xét xử về sự cần thiết về sự có mặt của họ[9].

Trong trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định hoãn phiên tòa[11].

5. Hoãn phiên tòa theo đề nghị của các đương sự

Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc một trong các trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trong trường hợp không chấp nhận thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do[13].

Lưu ý: Các trường hợp hoãn phiên tòa tại giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng tương tự như ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.


[1] Điều 56.2 và Điều 62.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 84.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 227.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Điều 229.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 230.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 231.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[13] Điều 241.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.