Trong quá trình xét xử vụ án ly hôn thì phải có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát không?
Theo quy định của pháp luật, sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát trong quá trình xét xử vụ án ly hôn được quy định cụ thể như sau:
- Một số trường hợp bắt buộc phải có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát trong quá trình xét xử vụ án ly hôn[1]:
- Trường hợp 01: Trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị, đại diện Viện kiểm sát phải có mặt tại phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục thông thường và phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn đối với tất cả các vụ án ly hôn nếu có; và
- Trường hợp 02: Đại diện Viện kiểm sát phải có mặt trong phiên tòa giám đốc thẩm hoặc phiên tòa tái thẩm đối với tất cả các vụ án ly hôn.
Trong các trường hợp nêu trên, sự vắng mặt của đại diện Viện kiểm sát sẽ dẫn đến việc phải hoãn phiên tòa.
2. Một số trường hợp có thể có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát trong quá trình xét xử vụ án ly hôn[3]:
- Trường hợp 01: Phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể làm chủ được hành vi của mình (mất năng lực hành vi dân sự) hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Trường hợp 02: Phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ;
- Trường hợp 03: Phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục thông thường và phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị; và
- Trường hợp 04: Tại cấp xét xử phúc thẩm, một bên trong vụ án ly hôn kháng cáo mà việc kháng cáo không diễn ra trong thời hạn pháp luật quy định, phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn nên có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát.
Trong các trường hợp được nêu ở trên, nếu đại diện của Viện kiểm sát vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa hoặc phiên họp. Như vậy, sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát trong quá trình xét xử vụ án ly hôn không mang tính chất bắt buộc đối với tất cả các trường hợp.
Nếu có thì vai trò của đại diện Viện kiểm sát trong vụ án ly hôn là gì?
Trong thực tế xét xử các vụ án ly hôn cũng như theo quy định của pháp luật, đại diện của Viện kiểm sát sẽ thay mặt Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp, cụ thể như tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết vụ án ly hôn nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án ly hôn được kịp thời, đúng pháp luật; thông qua đó bảo vệ tốt nhất và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ án ly hôn[5].
Bản chất các vai trò nêu trên của Viện kiểm sát dẫn đến việc đại diện của Viện kiểm sát bắt buộc có mặt tại “phiên tòa giám đốc thẩm” phát sinh do có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan trong vụ án hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các đương sự trong vụ án ly hôn hoặc bên thứ ba có lợi ích liên quan. Bên cạnh đó, điều này cũng dẫn đến việc đại diện của Viện kiểm sát bắt buộc có mặt tại “phiên tòa xét xử theo thủ tục tái thẩm” phát sinh do mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà các đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án hoặc có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật, giả mạo chứng cứ hoặc do hành vi cố ý sai phạm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, hoặc do bản án, quyết định liên quan mà Tòa án làm căn cứ đã bị hủy bỏ[7].
Cụ thể, trong quá trình xét xử vụ án ly hôn, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên bao gồm:
- Kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;
- Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng;
- Kiểm sát việc giải quyết vụ án ly hôn; và
- Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án ly hôn[9].
Như vậy, các hoạt động tố tụng của đại diện của Viện kiểm sát đóng vai trò thiết yếu trong quá trình xét xử các vụ án ly hôn. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không can thiệp vào việc xét xử nếu Tòa án đảm bảo rằng mọi hoạt động tư pháp trong quá trình này đều phù hợp với quy định của pháp luật.
[1] Điều 314.2, Điều 324.2, Điều 338.1 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[3] Điều 21.2 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 21.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân 2014.
[7] Điều 326 và Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[9] Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.