Câu hỏi 58: Việc cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không thực hiện sẽ được thực hiện như thế nào? Có thể trừ lương qua tài khoản ngân hàng hay phát mãi tài sản của người có nghĩa vụ cấp dưỡng không?

Khi cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo bản án, quyết định giải quyết ly hôn của Tòa án nhưng người này không tự nguyện thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì để bảo đảm quyền lợi cho con chung, cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thi hành án về cấp dưỡng có thể bị kéo dài do cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cố tình trốn tránh thực hiện và việc cưỡng chế của cơ quan thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn do giá trị của yêu cầu thi hành án thường nhỏ so với giá trị của các tài sản có thể cưỡng chế[1].

Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, thường là của người cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi con, chấp hành viên thụ lý vụ việc sẽ thông báo hoặc gửi quyết định thi hành án đến người phải thi hành án là người cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cha hoặc mẹ phải thi hành án có thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình[3]. Khi hết thời hạn này mà cha hoặc mẹ phải thi hành án có đủ điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành, chấp hành viên sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây để thi hành án[4]:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của cha hoặc mẹ phải thi hành án;
  • Trừ vào thu nhập của cha hoặc mẹ phải thi hành án;
  • Kê biên, xử lý tài sản của cha hoặc mẹ phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;
  • Khai thác tài sản của cha hoặc mẹ phải thi hành án;
  • Buộc cha hoặc mẹ phải thi hành án chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; và
  • Buộc cha hoặc mẹ phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Thông thường, chấp hành viên thi hành án sẽ lựa chọn những biện pháp cưỡng chế đơn giản ví dụ như khấu trừ tiền trong tài khoản hoặc thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của cha hoặc mẹ phải thi hành án trước. Cha hoặc mẹ yêu cầu thi hành án có nghĩa vụ cung cấp tài khoản ngân hàng có tiền của cha hoặc mẹ phải thi hành án để thực hiện việc khấu trừ. Trong trường hợp cha hoặc mẹ phải thi hành án không có một khoản tiền nhất định đủ để khấu trừ nghĩa vụ thì chấp hành viên sẽ lựa chọn biện pháp khấu trừ vào thu nhập hằng tháng của cha hoặc mẹ phải thi hành án. Đối với các trường hợp thực hiện việc cấp dưỡng hàng tháng mà việc trừ vào thu nhập không thể thực hiện được do cha hoặc mẹ phải thi hành án không có thu nhập ổn định và không có cơ sở để chấp hành viên thi hành án khấu trừ thì việc tiến hành cưỡng chế được thực hiện bằng biện pháp kê biên tài sản.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc kê biên, phát mãi tài sản của cha hoặc mẹ phải thi hành án trên thực tế thường được các chấp hành viên cân nhắc rất kỹ trước khi ra quyết định thực hiện vì đôi khi số tiền cấp dưỡng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng/một con chung, giá trị của nghĩa vụ phải thi hành quá nhỏ so với giá trị tài sản kê biên. Vì vậy, có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án không thể tiến hành kê biên một tài sản có giá trị lớn (nhà ở, quyền sử dụng đất, v.v.) để khấu trừ hết một lần số tiền phải thi hành án mà chỉ có thể kê biên tài sản chẳng hạn như ti vi, xe máy, các tài sản có giá trị nhỏ khác để khấu trừ trong một giai đoạn thi hành án.


[1] Hoàng Thanh Hoa, “Một số vướng mắc khi thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng”, Báo Pháp luật Việt Nam, 26/8/2019.

[3] Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.19 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014.

[4] Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.