Việc Tòa án xác định tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân để phân chia khi giải quyết vụ án ly hôn đôi khi là một quá trình phức tạp bởi không phải bất cứ tài sản nào mà phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cũng được xem là tài sản chung của vợ chồng và cũng không phải bất cứ tài sản riêng nào của vợ, chồng cũng hoàn toàn được xem là tài sản riêng của người đó.
Vậy thì những tài sản riêng nào của từng bên vợ, chồng vẫn được xem như đã hình thành nên tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để được phân chia cho vợ, chồng khi giải quyết vụ án ly hôn? Đó là:
- Những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; hoặc
- Những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng có hiệu lực và vợ, chồng có thỏa thuận rằng những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sẽ là tài sản chung của vợ chồng.
Để làm rõ nội dung này, xin đưa ra một ví dụ minh họa sau đây:
Anh A và chị B đăng ký kết hôn năm 2015 và các tài sản chung của anh A và chị B trong thời kỳ hôn nhân gồm một căn nhà tại thành phố H, một căn nhà tại thành phố K và một chiếc xe ô-tô hiệu Toyota trị giá 500 triệu đồng. Vợ chồng anh A chị B sống trong căn nhà tại thành phố H và cho thuê căn nhà tại thành phố K với giá 15 triệu đồng/tháng.
Năm 2016, anh A được cha mẹ của anh A tặng riêng cho anh A một dãy nhà trọ gồm 10 phòng trọ tại thành phố H và vợ chồng anh A chị B đã cho những người công nhân gần đó thuê lại căn nhà trọ trên với giá 20 triệu đồng/tháng.
Năm 2018, anh A và chị B đến văn phòng công chứng tại thành phố K lập thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau: căn nhà tại thành phố K là tài sản riêng của chị B và chiếc xe ô-tô hiệu Toyota là tài sản riêng của anh A. Đồng thời anh A và chị B thỏa thuận rằng tiền thu được hằng tháng từ việc cho thuê căn nhà tại thành phố K sẽ là tài sản chung và vợ chồng và khoản tiền này sẽ được sử dụng để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Do đó, các tài sản của vợ chồng anh A, chị B có thể xác định như sau:
Tài sản chung: căn nhà tại Thành phố H;
Tài sản riêng:
- Của anh A: dãy nhà trọ tại thành phố H và chiếc xe ô-tô hiệu Toyota; và
- Của chị B: căn nhà tại thành phố K.
Theo như phân tích ở trên, tiền cho thuê dãy nhà trọ tại thành phố H 20 triệu đồng/tháng và tiền cho thuê căn nhà tại thành phố K 15 triệu đồng/tháng là những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng anh A, chị B trong thời kỳ hôn nhân nhưng lại được xem như là tài sản chung của vợ chồng anh A, chị B.
Giả sử trong trường hợp vợ chồng anh A, chị B gom góp số hoa lợi, lợi tức này và mua thêm được một mảnh đất tại thành phố H thì mảnh đất này sẽ là tài sản chung của vợ chồng anh A, chị B trong thời kỳ hôn nhân.
Ngược lại, có những tài sản nào dù được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng vẫn được xem như là tài sản riêng của từng bên vợ, chồng.
Đó là:
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản chung của vợ chồng mà vợ chồng có thỏa thuận phân chia thành tài sản riêng của vợ, chồng bằng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác lập hợp pháp theo quy định của pháp luật và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó sau khi được phân chia;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu riêng của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền tài sản của vợ, chồng đối với đối tượng sở hữu trí tuệ của riêng vợ hoặc chồng;
- Tài sản mà vợ, chồng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác được xác lập là tài sản riêng của vợ, chồng;
- Những khoản trợ cấp, ưu đãi hoặc các quyền tài sản mà vợ, chồng được nhận có liên quan đến vấn đề nhân thân của bản thân họ.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng thời điểm hình thành tài sản chỉ là một trong những căn cứ để xác định chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chứ không phải là yếu tố then chốt để xác định như đa số mọi người vẫn hiểu. Vì vậy, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn, vợ, chồng cần xác định chính xác những tài sản nào thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng để yêu cầu đưa ra của vợ, chồng là hợp lý, có căn cứ và được các cơ quan thực thi pháp luật chấp nhận nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của vợ, chồng sau hôn nhân.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.