Làm việc vào ban đêm là khoảng thời gian NLĐ làm việc trong giờ làm việc bình thường được BLLĐ quy định, theo TƯLĐTT hoặc theo NQLĐ của doanh nghiệp và khoảng thời gian này rơi vào khung giờ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau[217]. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thường quy định NLĐ làm việc theo ca và NLĐ làm ca 3 sẽ làm việc từ 10 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau và sẽ được xem như là làm việc vào ban đêm.
Nếu làm việc ca đêm và rơi vào khung giờ nói trên, NLĐ sẽ được thanh toán lương làm việc vào ban đêm theo tỷ lệ ít nhất như sau[218]: (100% * A) + (30% * A), như vậy, NLĐ sẽ được trả ít nhất khoản tiền bằng 130% * A. Trong đó, “A” là tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường.
Theo quy định của BLLĐ, làm thêm giờ là khoảng thời gian NLĐ làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định theo BLLĐ, TƯLĐTT hoặc NQLĐ của doanh nghiệp[219]. Làm thêm giờ vào ban đêm có nghĩa là NLĐ làm thêm giờ mà được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau[220]. Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp sản xuất, trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thường xảy ra đối với NLĐ nào đã làm xong ca 1 từ 06 giờ đến 14 giờ và được NSDLĐ yêu cầu làm thêm vào khung giờ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau (dù vẫn bảo đảm NLĐ được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển ca và số giờ yêu cầu làm thêm cũng không quá 50% số giờ làm việc bình thường/không quá 12 giờ trong 01 ngày).
Theo đó, NLĐ sẽ được NSDLĐ thanh toán một khoản tiền ít nhất như sau[221]:
- Làm thêm giờ vào ban đêm và vào ngày làm việc bình thường (nếu NLĐ chưa làm thêm giờ vào ban ngày): (150% * A) + (30% * A) + (20% * 100% * A) = 200% * A; hoặc
- Làm thêm giờ vào ban đêm và vào ngày làm việc bình thường (nếu NLĐ đã làm thêm giờ vào ban ngày): (150% * A) + (30% * A) + (20% * 150% * A) = 210% * A; hoặc
- Làm thêm giờ vào ban đêm và vào ngày nghỉ hằng tuần: (200% * A) + (30% * A) + (20% * 200% * A) = 270% * A; hoặc
- Làm thêm giờ vào ban đêm và vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương: (300% * A) + (30% * A) + (20% * 300% * A) = 390% * A.
Cần lưu ý thêm rằng NLĐ chỉ được miễn TTNCN đối với phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ mà được doanh nghiệp trả cao hơn so với mức tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ[222].
Ngoài ra, tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường sẽ được xác định dựa trên cơ sở tiền lương thực trả cho NLĐ theo công việc đang làm của tháng/tuần/ngày mà NLĐ làm thêm giờ chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng/tuần/ngày mà NLĐ làm thêm giờ (sẽ không được vượt quá số ngày làm việc bình thường trong 01 tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần sẽ tùy thuộc vào quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần mà NSDLĐ đã lựa chọn và không kể số giờ làm thêm).
Tiền lương giờ thực trả nêu trên sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi NLĐ làm việc vào ban đêm, tiền lương của các ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của BLLĐ; tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 BLLĐ, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không có liên quan gì đến việc thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ[223].
[217] Điều 106 BLLĐ
[218] Điều 56.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[219] Điều 107.1 BLLĐ
[220] Điều 106 BLLĐ
[221] Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020
[222] Điều 4.9 Luật TTNCN
[223] Điều 57.1 và Điều 55.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2020