Câu hỏi 83: Trong thời gian hôn nhân mà vợ hoặc chồng có đi vay tiền của một hay nhiều bên thứ ba mà số tiền được chồng hay vợ đó sử dụng cho việc cá nhân khác của người đó mà người còn lại không biết mặc dù người còn lại biết là người kia có vay nợ thì khi chia tài sản chung, số nợ đó có phải là nợ chung của hai vợ chồng không? Nếu chồng hay vợ không biết là người kia có vay nợ thì sao? Hay trong trường hợp chồng hay vợ đi vay nợ có thể chứng minh được là đã sử dụng số tiền vay phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu trong gia đình hay mua bất động sản đứng tên chung của vợ chồng thì sao?

Trong trường hợp vợ hoặc chồng vay tiền của bên thứ ba và sử dụng số tiền đó cho mục đích cá nhân của người đó và người còn lại không biết đến khoản tiền vay cũng như việc sử dụng khoản tiền vay đó như thế nào thì khi giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng, Tòa án sẽ xác định đây là khoản nợ riêng của cá nhân vợ hoặc chồng đã thực hiện khoản vay. Đặc biệt hiện nay với sự phát triển của các hình thức cho vay tiêu dùng, người đi vay có thể dễ dàng thực hiện các khoản vay với những giấy tờ đơn giản và không cần thế chấp bất cứ tài sản nào cũng như không cần có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân lúc vay, vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể bằng ý chí đơn phương của mình đã thực hiện nhiều khoản vay ở các tổ chức tài chính hoặc bên thứ ba nào khác để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu cho riêng cá nhân. Do đó, Tòa án, trong quá trình xác định khoản nợ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, có thể căn cứ vào hình thức vay, mục đích vay và thực tế hoạt động sử dụng khoản vay của người đi vay để xác định mục đích sử dụng khoản vay là vì nhu cầu của gia đình hay không, để từ đó xác định nghĩa vụ chung của vợ chồng hay nghĩa vụ riêng của cá nhân người đi vay.

Đối với trường hợp vợ hoặc chồng vay tiền của bên thứ ba và sử dụng số tiền đó cho mục đích cá nhân của người đó và người vợ hoặc chồng còn lại biết nhưng không phản đối, thì cũng không xác lập nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp này Luật quy định rằng nếu vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập thì nghĩa vụ chung của vợ chồng mới được xác lập.

Ngoài ra, còn có trường hợp là vợ hoặc chồng vay tiền của một bên thứ ba mà người vợ hoặc chồng còn lại có thể biết hoặc không biết về việc vay nhưng khoản tiền vay đó được sử dụng để chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc tạo dựng một tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì khi Tòa án giải quyết vụ án ly hôn, nếu người đi vay chứng minh được mục đích chi tiêu nêu trên hoặc người vợ, chồng còn lại công nhận mục đích chi tiêu đó thì trong trường hợp này nợ với bên thứ ba sẽ được xác định là nợ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ đó. Lưu ý rằng, nhu cầu thiết yếu là những nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và các nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình[1]. Ngoài ra, nghĩa vụ chung của vợ chồng hình thành do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình và nghĩa vụ riêng hình thành do phát sinh từ giao dịch do một bên tự xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình[2]. Do đó, nghĩa vụ chung của vợ chồng trong trường hợp này chỉ phát sinh khi có cơ sở chứng minh nghĩa vụ đó phát sinh vì đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp không chứng minh được, mặc nhiên nghĩa vụ đó là nghĩa vụ riêng của người vợ hoặc chồng trực tiếp xác lập giao dịch.


[1] Điều 3.20 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[2] Điều 37.3 và 45.3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.