Về nguyên tắc, quyền ly hôn cũng như quyền kết hôn là những quyền nhân thân, gắn liền với từng cá nhân và không thể chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào khác[1]. Do vậy, vợ hoặc chồng không thể ủy quyền toàn bộ cho bất kỳ ai thay mặt vợ hoặc chồng trực tiếp thực hiện quyền ly hôn. Tuy nhiên, vợ chồng có thể ủy quyền bên cho thứ ba là cá nhân, tổ chức thay mình chuẩn bị và nộp đơn yêu cầu ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn. Điều này hoàn toàn được pháp luật cho phép thực hiện thông qua chế định ủy quyền theo luật dân sự. Bên cạnh đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho bên thứ ba nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền thì vợ hoặc chồng có thể chọn cách nộp đơn yêu cầu ly hôn qua đường bưu điện.
Ngoài
ra, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cha, mẹ, những người
thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng
do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác, không thể nhận thức, làm chủ được hành
vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ
gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bên
còn lại[3]. Đây
là điểm mới mang tính nhân văn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 so với
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Quy định này nhằm giúp “giải thoát” cho nạn
nhân là vợ hoặc chồng khi cuộc hôn nhân đã không còn có ý nghĩa với họ nữa. Bởi
trên thực tế, có không ít các trường hợp sau khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh
tâm thần hoặc mất nhận thức, người còn lại đã chán nản và đối xử tệ bạc với
người vợ hoặc người chồng. Khi đó, quyền lợi của người vợ hoặc người chồng đó có
thể đã bị xâm phạm và việc chấm dứt quan hệ hôn nhân là điều cần thiết nhưng họ
không thể tự mình thực hiện quyền yêu cầu ly hôn. Dự liệu cho những trường hợp
này, pháp luật đã cho phép bên thứ ba là cha, mẹ hoặc người thân thích của
những đối tượng này được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Lúc
này, bên thứ ba sẽ trở thành người đại diện của vợ hoặc chồng, và có quyền tham
gia các hoạt động tố tụng thay mặt họ trong vụ án ly hôn.
[1] Điều 25.1 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.