Câu hỏi 92: Khái niệm chung sống như vợ chồng trong việc chứng minh vợ hoặc chồng có ngoại tình phải được hiểu như thế nào cho đúng theo quy định của pháp luật?

Theo cách thông thường, ngoại tình được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau, đôi khi ngoại tình chỉ đề cập đến mối quan hệ tình yêu phát sinh ngoài tình yêu hiện tại, có khi là tình yêu đơn phương theo hình thức “ngoại tình tư tưởng”, cấp độ này là cấp độ thấp nhất và leo thang dần đến những cấp độ khác nhau bao gồm cả việc có hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Nhìn chung, ngoại tình, dù dưới bất cứ hình thức nào, đều là hành vi bị xã hội lên án, đặc biệt là khi hành vi đó dẫn đến hệ quả ly hôn.

Dưới góc độ pháp lý, việc hiểu và chứng minh hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn không hẳn là một việc làm đơn giản. Một trong những căn cứ để chứng minh việc chung sống như vợ chồng với người khác của người vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình trong thời kỳ hôn nhân:

Theo điều 3.7 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam và nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Những trường hợp chung sống như vợ chồng được đánh giá là hành vi ngoại tình bao gồm[1]:

  • Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc
  • Người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Đồng thời, theo hướng dẫn tại Điểm 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001, chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà người đó biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc này thường được chứng minh bằng việc có con chung; được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng; có tài sản chung; đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể thực hiện công tác giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Như vậy, hành vi chung sống như vợ chồng trong việc chứng minh vợ hoặc chồng có ngoại tình, theo phân tích ở trên, phải đáp ứng cả hai điều kiện về mặt chủ thể và về mặt hình thức. Những hành vi được xã hội nhìn nhận là ngoại tình theo cách hiểu thông thường, chẳng hạn như “ngoại tình trong tư tưởng”, sẽ không được xem là căn cứ để xác định lỗi của các đương sự trong quá trình đánh giá giải quyết vụ việc ly hôn.


[1] Điều 5.2(c) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.