(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners)
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững, một trong những định hướng chiến lược lớn được Chính phủ ưu tiên chính là thúc đẩy khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang chính thức. Cụ thể, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đã và đang được khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách và cải thiện tính minh bạch trong hệ thống kinh tế quốc dân.
Đi kèm với chủ trương đó, Quốc hội vừa thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026). Những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào các rào cản thủ tục và chi phí để tạo thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh “lên đời” thành doanh nghiệp chính quy. Mục tiêu lớn nhất của chính sách này là nâng cao tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP và giúp hệ thống thuế vận hành hiệu quả, đồng bộ hơn.
Tuy nhiên, cũng như một con người có ngày sinh thì phải có ngày mất, doanh nghiệp là một thực thể pháp lý cũng cần có quá trình khai tử tương ứng sau khi được khai sinh. Việc giải thể không chỉ là quyền mà còn là phần tất yếu trong chu trình sống của doanh nghiệp, thể hiện sự linh hoạt và lành mạnh của nền kinh tế thị trường. Không phải doanh nghiệp nào được thành lập cũng sẽ tồn tại mãi mãi; khi không còn khả năng hoạt động hiệu quả hoặc không còn nhu cầu tồn tại, việc rút lui hợp pháp và trật tự là cần thiết.
Vì vậy, trước khi đi sâu vào những vướng mắc cụ thể, cần nhìn nhận tổng thể về quy trình giải thể doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc giải thể doanh nghiệp bao gồm nhiều bước cụ thể với trình tự pháp lý rõ ràng. Trước tiên, doanh nghiệp phải ban hành quyết định giải thể do chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông thông qua, tùy theo loại hình doanh nghiệp. Sau khi có quyết định giải thể, doanh nghiệp cần thanh lý tài sản và thực hiện thanh toán các khoản nợ theo thứ tự pháp lý: ưu tiên chi trả cho người lao động (tiền lương, trợ cấp thôi việc, các loại bảo hiểm bắt buộc), sau đó đến nghĩa vụ thuế và cuối cùng là các khoản nợ khác. Đồng thời, doanh nghiệp phải thông báo giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh và bố cáo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần hoàn tất quyết toán thuế với cơ quan thuế, bao gồm nộp tờ khai thuế cuối cùng, báo cáo tài chính, xử lý hóa đơn, và nếu có sử dụng lao động thì phải chốt sổ bảo hiểm và thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp. Khi có xác nhận đã hoàn tất nghĩa vụ thuế và bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh và được xóa tên khỏi hệ thống quốc gia nếu hồ sơ hợp lệ.
Trên thực tế, trong toàn bộ các bước trên, bước quyết toán thuế chính là nút thắt lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn tất giải thể theo đúng trình tự pháp luật kể trên. Không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, có nhu cầu chấm dứt kinh doanh nhưng không thể vượt qua vòng kiểm tra quyết toán thuế cuối cùng với cơ quan thuế.
Việc quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp nói chung được quy định rõ ràng trong Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên khi cơ quan thuế xác nhận đã hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ thuế. Trong quá trình này, doanh nghiệp phải nộp đủ các loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu (nếu có), lệ phí môn bài và các khoản truy thu, truy hoàn khác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải hủy hóa đơn điện tử chưa sử dụng, gửi báo cáo tổng hợp tình hình sử dụng hóa đơn, xác nhận không nợ thuế và không bị thanh tra thuế.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật trong thực tế, các rào cản thuế lý bao gồm nhiều khía cạnh: doanh nghiệp không khai báo đầy đủ, khai sai tờ khai, hoặc khai thiếu, không bàn giao được hóa đơn, sổ sách, chứng từ thanh toán, sao kê giao dịch tài khoản. Một tình huống phổ biến khác là khi cơ quan thuế nghi ngờ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đầu vào không hợp pháp hoặc bị cho là hóa đơn giả. Trong trường hợp này, việc quyết toán thuế sẽ bị tạm dừng để chờ ý kiến từ cơ quan điều tra hoặc kết luận xử lý từ phía công an kinh tế. Điều này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, khiến doanh nghiệp bị treo trạng thái pháp lý, không thể giải thể, cũng không thể tiếp tục hoạt động.
Kết quả của những vướng mắc đó là hàng chục nghìn doanh nghiệp không hoạt động thực tế vẫn tồn tại trên hệ thống, góp phần làm sai lệch dữ liệu doanh nghiệp quốc gia, khiến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới không đi đúng đối tượng và ảnh hưởng đến đánh giá tình hình kinh tế quốc dân. Các số liệu tăng trưởng doanh nghiệp mới có thể đang bị “lấp đầy” bằng những thực thể không còn hoạt động.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã triển khai những công cụ linh hoạt hơn để giúp doanh nghiệp dễ dàng rút lui khỏi thị trường khi cần thiết mà không vướng quá nhiều thủ tục phức tạp. Ví dụ, doanh nghiệp ở Singapore có thể tự khai giải thể trực tuyến nếu không phát sinh giao dịch trong vòng 12 tháng và chỉ cần cam kết không còn nghĩa vụ thuế. Tại Estonia, nơi nổi tiếng với chính phủ điện tử, hệ thống thuế được tích hợp hoàn toàn giúp doanh nghiệp có thể tự quyết toán và giải thể chỉ với một vài bước thao tác điện tử thông qua cổng dịch vụ công. Ở Úc, doanh nghiệp nhỏ không có doanh thu và không còn nghĩa vụ thuế có thể nộp đơn yêu cầu đóng mã số thuế, và thường sẽ được xử lý trong vòng 28 ngày làm việc. Tại Canada, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến để hủy đăng ký thuế khi không còn hoạt động, với quy trình được hướng dẫn chi tiết và có sự hỗ trợ trực tiếp từ cơ quan thuế. Tại Đức, doanh nghiệp chỉ cần nộp mẫu đơn thông báo ngừng hoạt động và không còn giao dịch trong một năm là đủ điều kiện xóa mã số thuế, với điều kiện không nợ ngân sách Nhà nước. Những cơ chế linh hoạt, rõ ràng và nhanh chóng này cho thấy các nước phát triển luôn chú trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp không chỉ “vào dễ” mà còn “ra dễ”, qua đó giúp hệ thống thống kê và chính sách điều hành kinh tế chính xác hơn, hiệu quả hơn.
Từ những phân tích ở trên, có thể đề xuất các nhóm giải pháp cải cách cho Việt Nam trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, cần phân loại doanh nghiệp theo rủi ro thuế: doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu và không sử dụng hóa đơn trong 12 tháng có thể được xét duyệt cơ chế miễn kiểm tra thực địa, chỉ cần nộp bản cam kết và kê khai đầy đủ để được tự động hoàn tất nghĩa vụ thuế. Thứ hai, cần thiết lập giới hạn thời gian xử lý hồ sơ quyết toán thuế. Chẳng hạn, trong vòng 45-60 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ, cơ quan thuế buộc phải có phản hồi chính thức bằng văn bản thay vì để doanh nghiệp “chờ vô thời hạn” như hiện nay. Thứ ba, xây dựng cơ chế giải thể có điều kiện: cho phép doanh nghiệp tạm thời đóng mã số thuế nếu cam kết không nợ thuế, trong khi vẫn có thể tiếp tục bổ sung hồ sơ hoặc chờ kiểm tra sau. Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp rút lui một cách trật tự, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng giám sát hậu kiểm. Thứ tư, cần triển khai cơ chế tự động xóa tên doanh nghiệp không hoạt động thực tế. Ví dụ, nếu doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính hàng năm, không có giao dịch ngân hàng và không phát sinh tờ khai thuế trong vòng 24 tháng liên tục thì cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có thể chủ động thực hiện thủ tục xóa sổ doanh nghiệp. Cuối cùng, cần phát triển cổng thông tin thuế điện tử một cách đồng bộ và thân thiện hơn, đặc biệt là cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Những biểu mẫu đơn giản hóa, tích hợp liên thông dữ liệu giữa cơ quan thuế – kho bạc – cơ quan đăng ký kinh doanh – ngân hàng sẽ giảm bớt tình trạng “mỗi nơi một yêu cầu”, gây phiền hà không cần thiết. Trong thời đại số hiện nay, việc quyết toán và giải thể doanh nghiệp cần được số hóa toàn diện, không thể mãi thủ công như trước.
Nếu những rào cản về thuế không được tháo gỡ, làn sóng “hộ kinh doanh lên đời thành doanh nghiệp” sẽ sớm chững lại, thậm chí có thể đảo chiều. Một môi trường kinh doanh hiện đại không chỉ cần chính sách khuyến khích gia nhập thị trường, mà còn phải có lối ra minh bạch, thuận tiện và văn minh. Giải thể doanh nghiệp, nếu được thiết kế hợp lý, không phải là một điều gì tiêu cực – mà ngược lại, là một phần tất yếu trong vòng đời thị trường, phản ánh tính linh hoạt và sức khỏe của nền kinh tế số.