(Nguyễn Đức Huy và Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của Việt Nam từ hơn 4.000 năm lịch sử và vẫn không ngừng thăng hoa, phát triển. Sự sẻ chia, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, từ những điều giản dị như tủ bánh mì miễn phí cho đến những đợt quyên góp lớn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì tinh thần tương thân tương ái lại trở nên sôi nổi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, một vấn đề mà xã hội luôn quan tâm có liên quan đến việc quyên góp thiện nguyện đó là làm thế nào để các quỹ từ thiện thực hiện đúng các cam kết của mình, bởi vì đương nhiên không ai muốn lòng hảo tâm của mình lại bị lợi dụng để trục lợi hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Ví dụ như trong đợt ủng hộ mưa lũ miền Trung vừa qua, bên cạnh những nghệ sĩ đã xông pha hết mình trong công tác cứu trợ, sử dụng các khoản tiền quyên góp một cách minh bạch, rõ ràng, cũng có không ít lùm xùm trong việc huy động và sử dụng các khoản tiền này. Gần đây, một ví dụ điển hình là vụ việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân số tiền quyên góp hơn 13 tỷ đồng đã và đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận và nghệ sĩ Hoài Linh cũng đã phải lên tiếng giải thích nhưng vẫn chưa làm vụ việc lắng xuống. Dù chưa thể khẳng định việc chậm giải ngân là do sự cố ý hay vô ý của nghệ sĩ Hoài Linh nhưng vụ việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của người nghệ sĩ này. Qua đó, có thể thấy rằng, việc thực hiện không đúng các cam kết khi huy động tiền từ thiện có thể dẫn đến những tác động tiêu cực liên quan đến danh dự, uy tín, nghề nghiệp của người huy động.
Không những thế, vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu việc sử dụng các quỹ thiện nguyện lại vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến việc sử dụng không đúng với cam kết hoặc có liên quan đến vấn đề thuế, bởi vì lúc này người thành lập và vận hành quỹ có thể phải chịu các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, không phải ai cũng nắm rõ những vấn đề đó để tránh và vi phạm là điều rất dễ xảy ra. Cũng trong vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh nói trên, có một số ý kiến đã cho rằng, việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân tiền từ thiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật hiện hành đã quy định về vấn đề này ra sao?
Các loại quỹ từ thiện
Theo quy định của pháp luật hiện hành, quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức và hoạt động với mục đích là hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần có sự trợ giúp của xã hội, và không vì mục tiêu lợi nhuận[1]. Quỹ từ thiện dưới hình thức này phải trải qua thủ tục thành lập một cách hợp pháp để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Lúc này, quỹ sẽ có tên và biểu tưởng, tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng của mình[2] (“quỹ từ thiện pháp nhân”). Các quỹ từ thiện pháp nhân đó được phép vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ để thực hiện các công việc từ thiện dưới tư cách của quỹ, chứ không phải với tư cách cá nhân của người lập quỹ là các sáng lập viên. Chẳng hạn, các khoản đóng góp sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của quỹ và việc chi tiêu các khoản đóng góp này phải do những người có thẩm quyền, trách nhiệm của quỹ như hội đồng quản lý quỹ, ban kiểm soát quỹ, giám đốc quỹ quyết định theo điều lệ của quỹ và các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời phải tiến hành thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong đợt thiên tai mưa lũ vừa qua, bên cạnh các quỹ từ thiện được nêu ở trên, nhiều nghệ sĩ và những người mạnh thường quân khác đã với tư cách cá nhân của riêng mình, đã kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp từ các nhà hảo tâm bằng việc cung cấp số tài khoản cá nhân để mọi người hảo tâm chuyển thẳng tiền vào tài khoản cá nhân do những người này lập ra mà không thông qua bất kỳ quỹ từ thiện nào được đăng ký theo quy định của pháp luật (“quỹ từ thiện cá nhân”). Đồng thời, những người kêu gọi cũng tự mình lên kế hoạch, quyết định việc sử dụng nguồn tiền quyên góp, tài trợ đó theo ý của họ.
Mặc dù các quỹ từ thiện cá nhân nêu trên nhận được nhiều sự ủng hộ trên thực tế với số tiền mỗi quỹ quyên góp được có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng hiện chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng nào để những quỹ từ thiện cá nhân này hoạt động. Theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc, chỉ có Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ Thập đỏ, các cơ quan thông tin đại chúng, các quỹ từ thiện pháp nhân nêu trên, các quỹ xã hội được thành lập hợp pháp mới được quyền tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và không có một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác sẽ được thực hiện việc tiếp nhận này[3]. Nếu các tổ chức, cá nhân khác kêu gọi sự ủng hộ thì các khoản tiền mà họ huy động được đều phải được chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp làm chủ tài khoản và họ sẽ không được tự ý quyết định về việc phân phối các khoản huy động theo ý của mình[4]. Do đó, trên thực tế, việc tự ý huy động tiền đóng góp từ xã hội như cách mà các nghệ sĩ đang thực hiện vẫn chưa thực sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Chế tài khi quỹ từ thiện không thực hiện đúng cam kết
Các quỹ từ thiện, dù là quỹ từ thiện pháp nhân hay quỹ từ thiện cá nhân, đều nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục các sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội. Đây là cơ sở để pháp luật cho phép các quỹ từ thiện này tồn tại và hoạt động. Do đó, mọi hoạt động của các quỹ từ thiện đều phải nhằm mục đích thực hiện đúng cam kết hoạt động. Đối với quỹ từ thiện pháp nhân, cam kết hoạt động ở đây chính là nội dung trong điều lệ quỹ từ thiện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt[5]. Đối với quỹ từ thiện cá nhân, cam kết hoạt động ở đây chính là các cam kết của những người lập quỹ (chằng hạn như các nghệ sĩ), lời hứa của họ khi vận động, quyên góp tiền, tài sản từ các nhà hảo tâm. Việc quỹ từ thiện không thực hiện đúng các cam kết hoạt động như trường hợp chậm giải ngân của nghệ sĩ Hoài Linh vừa qua có thể khiến những người lập quỹ hoặc những người quản lý quỹ phải chịu nhiều chế tài theo quy định của pháp luật như sau:
Chế tài hình sự
Đối với quỹ từ thiện pháp nhân, Bộ luật Hình sự vẫn chỉ giới hạn việc xử lý đối với pháp nhân thương mại mà thôi, chưa áp dụng đối với các quỹ từ thiện pháp nhân là tổ chức hoạt động không mang mục đích lợi nhuận. Do đó, nếu quỹ từ thiện pháp nhân thực hiện sai cam kết trong quá trình huy động, sử dụng tài sản quyên góp đến mức vi phạm hình sự, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể là các cá nhân là những người quản lý quỹ từ thiện pháp nhân hoặc những người đã tham gia vào việc huy động, sử dụng tiền, tài sản quyên góp được. Đối với quỹ từ thiện cá nhân, bởi vì những người lập quỹ đứng ra kêu gọi, huy động ủng hộ từ các nhà hảo tâm và lên kế hoạch sử dụng số tiền, tài sản ủng hộ, quyên góp được với tư cách là cá nhân của mình nên khi xảy ra vi phạm, họ sẽ là người sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người lập quỹ từ thiện cá nhân hoặc người quản lý quỹ đối với quỹ từ thiện pháp nhân và những người có liên quan khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội chẳng hạn như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhất là trong trường hợp các khoản tiền đóng góp không được chi hoặc là chi sai mục đích đã đề ra ban đầu. Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối được hiểu là đưa ra các thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho những người bị lừa dối tin rằng đó là những thông tin thật và đã giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ của tình huống này đó là: Người lập quỹ đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ cho địa phương với lý do địa phương mới bị tàn phá bởi thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, thực tế điều này không xảy ra và số tiền ủng hộ lại được người lập quỹ từ thiện cá nhân cho vào túi riêng.
Nếu những người lập quỹ, người quản lý quỹ từ thiện ban đầu thât sự có ý định huy động, quyên góp để làm từ thiện nhưng sau đó các khoản tiền huy động, quyên góp lại được họ cố ý chi sai cam kết, sai mục đích thì họ có thể bị truy cứu hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều 175 Bộ luật Hình sự có quy định rằng, người nào thực hiện hành vi nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn: gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào các mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không có khả năng trả lại tài sản, với giá trị tài sản từ 4 triệu đồng trở lên là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Do đó, trong các trường hợp như, người lập quỹ hoặc người quản lý quỹ từ thiện pháp nhân sau khi nhận tiền rồi thì lại thấy số tiền ủng hộ nhiều hơn dự kiến cho nên nảy sinh ý định chiếm đoạt một phần của số tiền này, hoặc sử dụng số tiền được quyền góp vào những mục đích khác chẳng hạn như đánh bạc, buôn lậu, gửi cho người thân mà không gửi cho những người cần ủng hộ… (các mục đích bất hợp pháp) dẫn đến việc họ không thể trả lại tiền ủng hộ đã sử dụng, thì họ hoàn toàn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Chế tài dân sự
Bên cạnh các chế tài hình sự được nêu ở trên, những người lập quỹ từ thiện cá nhân cũng như quỹ từ thiện pháp nhân còn có thể phải đối diện với việc bị những người quyền góp tiền và tài sản khởi kiện dân sự.
Đối với quỹ từ thiện cá nhân, việc một mạnh thường quân hưởng ứng lời kêu gọi của người lập quỹ để chuyển tiền ủng hộ của mình vào tài khoản của người lập quỹ là một mối quan hệ ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong đó, người mạnh thường quân đã ủy quyền cho người lập quỹ thay mặt mình sử dụng khoản tiền ủng hộ vào mục đích nhân đạo[6]. Đương nhiên, điều mà người mạnh thường quân này mong muốn chính là khoản tiền ủng hộ của mình phải được sử dụng kịp thời và đúng mục đích, hỗ trợ tốt nhất cho những người đã gặp hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc người lập quỹ từ thiện đã sử dụng quỹ không đúng với cam kết thì có thể bị xem như là việc không thực hiện các công việc theo ủy quyền và có thể phải bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đã cam kết[7].
Ngoài ra, những người quyên góp có thể yêu cầu những người lập quỹ phải hoàn trả lại các khoản tiền những người quyên góp đã đóng góp mà chưa được những người lập quỹ sử dụng, bởi chiếu theo Bộ luật Dân sự, bên ủy quyền có thể chấm dứt việc ủy quyền vào bất kỳ lúc nào[8]. Chẳng hạn đối với việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân số tiền từ thiện nêu trên, nếu mạnh thường quân nào cho rằng nghệ sĩ Hoài Linh đã sử dụng số tiền hỗ trợ một cách không minh bạch và hiệu quả, họ có quyền yêu cầu nghệ sĩ Hoài Linh phải hoàn trả lại số tiền mà họ đã quyên góp.
Đối với quỹ từ thiện pháp nhân, nguồn thu và tài sản của quỹ đến từ nhiều nguồn khác nhau với tính chất pháp lý khác nhau. Một số khoản thu của quỹ được xem như là tài sản riêng của quỹ, chẳng hạn như các khoản đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân dưới dạng tặng cho không điều kiện hoặc các tài sản được góp vào quỹ, thì dù quỹ có sử dụng không đúng cam kết đi chăng nữa, những người tặng cho hoặc góp tài sản cũng khó có thể yêu cầu đòi lại được. Tuy nhiên, đối với các khoản chi theo sự ủy nhiệm hoặc ủy quyền của nhà tài trợ, trong trường hợp quỹ từ thiện pháp nhân không thực hiện đúng cam kết của mình, những nhà tài trợ có quyền yêu cầu đòi lại từ quỹ từ thiện pháp nhân theo các quy định của pháp luật nêu trên.
Chế tài hành chính
Nếu các quỹ từ thiện sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ hay cứu trợ không đúng đối tượng hoặc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những người lập quỹ đối với quỹ từ thiện cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng và đối với quỹ từ thiện pháp nhân thì quỹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 20 triệu đồng[9]. Ngoài ra, quỹ từ thiện nào vi phạm còn phải nộp lại số tiền, hàng hóa hoặc số tiền bằng với giá trị của hàng hóa đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng[10].
Người lập quỹ có bị truy thu thuế thu nhập cá nhân hay không
Về nguyên tắc, các khoản tiền quyên góp, tài trợ cho các quỹ từ thiện chỉ được sử dụng cho mục đích từ thiện và những người lập quỹ, người quản lý quỹ sẽ không được hưởng lợi gì từ những khoản tiền đó cho nên họ sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi nhận các khoản đóng góp, tài trợ đó. Tuy nhiên, nếu những người lập quỹ, người quản lý quỹ lại tự ý sử dụng quỹ từ thiện sai với cam kết ban đầu và có hưởng lợi từ các khoản tiền chi sai cam kết đó, họ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay bị truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần hưởng lợi đó hay không.
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, người lập quỹ, người quản lý quỹ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay bị truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần hưởng lợi trên. Lý do là bởi vì, Luật thuế thu nhập cá nhân không quy định rằng những khoản hưởng lợi này là thu nhập chịu thuế[11]. Đồng thời, bởi vì đây là khoản được hưởng lợi trái pháp luật, cho nên về mặt nguyên tắc, người hưởng lợi phải hoàn trả lại cho người bị thiệt hại hoặc khoản lợi này sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Do đó, đây sẽ không được xem như là thu nhập mà người lập quỹ, người quản lý quỹ nhận được cho nên sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay bị truy thu thuế thu nhập cá nhân.
Tóm lại, việc các quỹ từ thiện cho dù là pháp nhân hay cá nhân thực hiện không đúng cam kết sẽ được xem như là hành vi trái pháp luật và những người có liên quan có thể phải chịu các chế tài pháp luật chẳng hạn như hình sự, dân sự, hành chính như đã nêu ở trên. Đồng thời, các khoản lợi mà những người này có được từ hành vi vi phạm đều phải được hoặc là hoàn trả hoặc bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Do đó, mong rằng tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực thiện nguyện, dù là quỹ từ thiện pháp nhân hay quỹ từ thiện cá nhân, đều cần nhận thức rõ những rủi ro pháp lý có liên quan, để làm sao có thể hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch nhất. Việc này không chỉ có liên quan đến vấn đề đạo đức, danh dự, uy tín, mà còn là trách nhiệm pháp lý rất nặng nề của họ nếu để xảy ra vi phạm.
Bài viết trên được soạn thảo dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật cũng như kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Nếu bạn thấy bài viết trên là hữu ích cho bạn, xin ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào webiste của Công ty luật Phuoc & Partners www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái.
[1] Điều 4.3 Nghị định 93/2019/NĐ-CP
[2] Điều 7 Nghị định 93/2019/NĐ-CP
[3] Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP
[4] Điều 9.1 và Điều 11 Nghị định 64/2008/NĐ-CP
[5] Điều 16 Nghị định 93/2019/NĐ-CP
[6] Điều 562 Bộ luật Dân sự
[7] Điều 565.6 Bộ luật Dân sự
[8] Điều 569 Bộ luật Dân sự
[9] Điều 4 và Điều 8.2 Nghị định 104/2017/NĐ-CP
[10] Điều 8.3 Nghị định 104/2017/NĐ-CP
[11] Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP