Tỷ giá VND so với các loại ngoại tệ mạnh – Lịch sử, Nguyên nhân và Giải pháp

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Partners)

Trong một thời gian dài, tỷ giá đồng Việt Nam (VND) so với USD và các đồng tiền mạnh khác luôn duy trì ở mức rất thấp trong một thời gian dài, tạo ra nhiều bất tiện và áp lực cho người Việt Nam khi đi công tác, học tập hay du lịch quốc tế. Tỷ giá thấp làm tăng chi phí sinh hoạt ở nước ngoài, khiến những nhu cầu cơ bản như ăn uống, đi lại và chỗ ở trở nên đắt đỏ hơn so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Hơn thế, người dân đôi khi cảm thấy tự ti khi đối mặt với bạn bè và đối tác quốc tế, khi giá trị đồng tiền thể hiện phần nào sức mạnh kinh tế của quốc gia. Vấn đề này không đơn thuần là một câu chuyện tài chính, mà còn phản ánh lịch sử, chính sách kinh tế và chiến lược phát triển của Việt Nam qua nhiều thập kỷ. Đồng thời, câu hỏi về việc liệu Việt Nam có nên phát động đổi tiền một lần nữa để tăng giá trị đồng nội tệ vẫn còn là chủ đề gây tranh luận. Để hiểu rõ hơn, cần phân tích lịch sử, nguyên nhân, những chính sách mà Chính phủ đã và đang triển khai, và các giải pháp dài hạn cho tương lai.

Giá trị thấp của đồng VND bắt nguồn từ những giai đoạn khó khăn trong lịch sử Việt Nam. Trong thời kỳ chiến tranh kéo dài từ năm 1945 đến năm 1975, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, sản xuất đình trệ, và nguồn lực kinh tế chủ yếu tập trung vào chiến tranh đã đẩy đất nước vào tình trạng suy kiệt. Sau khi Miền Nam được giải phóng năm 1975, việc hợp nhất hai hệ thống kinh tế giữa miền Bắc (kế hoạch hóa tập trung) và miền Nam (thị trường tự do) gây ra nhiều khó khăn. Miền Bắc với cơ chế phân bổ tài nguyên không dựa trên thị trường đã gặp khó khăn trong quản lý kinh tế hiệu quả, trong khi miền Nam lại bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đột ngột của hệ thống quản lý. Kết quả là sản xuất đình trệ và đồng nội tệ mất giá do thiếu niềm tin vào khả năng quản lý kinh tế của Nhà nước.

Từ năm 1975 đến 1986, siêu lạm phát đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng với mức tăng giá vượt ngưỡng 700% trong một số năm. Lý do chính là việc in tiền không kiểm soát để bù đắp thâm hụt ngân sách, dẫn đến lượng tiền lưu thông vượt xa giá trị hàng hóa thực tế trong nền kinh tế. Khi tiền mất giá trị, niềm tin vào VND sụt giảm và lạm phát tiếp tục trở thành vòng xoáy không thể kiểm soát. Đến năm 1986, chính sách Đổi Mới ra đời, mở ra kỷ nguyên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để hỗ trợ xuất khẩu và thu hút đầu tư, chính phủ tại thời điểm đó cần duy trì tỷ giá thấp, giúp hàng hóa Việt Nam rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Chính sách này thực tế đã mang lại lợi ích lớn về mặt xuất khẩu nhưng đồng thời khiến giá trị VND bị kìm hãm.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp như dệt may, nông sản và thủy sản, những lĩnh vực không tạo ra giá trị gia tăng lớn. Điều này làm cho nền kinh tế kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, người dân Việt Nam thường có thói quen tích trữ USD và vàng thay vì giữ VND. Tâm lý này bắt nguồn từ lịch sử lạm phát cao và sự bất ổn của đồng nội tệ, khi USD và vàng được xem như tài sản trú ẩn an toàn.

Đổi tiền để tăng giá trị đồng nội tệ từng được áp dụng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là sau năm 1975, nhằm kiểm soát lạm phát và cải cách tài chính. Tuy nhiên, đổi tiền đã không giải quyết được các vấn đề gốc rễ như năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chưa tối ưu và thị trường tài chính chưa ổn định. Khi đồng tiền mới được đưa vào lưu thông nhưng năng lực sản xuất không thay đổi, giá trị của nó cũng sẽ nhanh chóng giảm sút. Đồng thời, đổi tiền có thể làm tăng bất ổn trong xã hội, gây mất niềm tin của người dân và các nhà đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư thường lo ngại rằng việc đổi tiền phản ánh sự yếu kém trong quản lý kinh tế, làm họ thận trọng hơn khi đầu tư vào quốc gia đó.

Thay vì đổi tiền, chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp chiến lược để cải thiện giá trị đồng nội tệ. Một trong những bước tiến quan trọng là phải cải cách phương pháp thống kê kinh tế. Việc thay đổi từ phương pháp lạc hậu sang hiện đại giúp số liệu phản ánh chính xác hơn thực trạng kinh tế, tăng cường tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Điều này hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định phù hợp với thực tế, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Số liệu minh bạch cũng củng cố hình ảnh một quốc gia đáng tin cậy và hội nhập quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho đồng nội tệ tăng giá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều hành tỷ giá linh hoạt và duy trì dự trữ ngoại hối tương đối lớn. Dự trữ ngoại hối không chỉ là lớp đệm giúp Việt Nam đối phó với các cú sốc kinh tế toàn cầu mà còn tăng niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định của VND. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã thực hiện các chính sách hạn chế đô la hóa, yêu cầu sử dụng VND trong các giao dịch lớn như bất động sản và khuyến khích người dân sử dụng đồng nội tệ bằng các chính sách lãi suất hấp dẫn. Giáo dục và đào tạo nghề cũng được tập trung phát triển nhằm nâng cao năng suất lao động. Các chương trình đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai tại trường học và phát triển khoa học công nghệ được triển khai mạnh mẽ, với các khu công nghệ cao ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Những khu vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Một biện pháp khác mà Chính phủ đang thực hiện là tinh gọn bộ máy hành chính và sáp nhập các tỉnh, thành để giảm chi tiêu thường xuyên. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính và tái cấu trúc bộ máy quản lý không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tối ưu hóa hiệu quả quản lý, giảm gánh nặng chi tiêu công. Điều này tạo điều kiện để nguồn lực quốc gia được phân bổ vào các lĩnh vực phát triển kinh tế như công nghệ, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, từ đó gián tiếp hỗ trợ tăng giá trị đồng nội tệ.

Việt Nam cũng mở rộng hợp tác quốc tế, ký kết gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu. Những FTA này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và tài chính.

Tóm lại, để đồng VND cải thiện giá trị trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục các giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư vào các ngành công nghiệp giá trị cao như điện tử, bán dẫn và minh bạch hóa tài chính. Thay đổi phương pháp thống kê là bước đi quan trọng để củng cố niềm tin quốc tế, giúp nâng cao vị thế đồng VND. Với những nỗ lực này, đồng VND không chỉ cải thiện giá trị mà còn trở thành biểu tượng của một nền kinh tế phát triển và hiện đại.