- Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ và hậu quả pháp lý nếu vi phạm
1.1 Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
Khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, NSDLĐ có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết về việc chấm dứt HĐLĐ[91]. Bên cạnh đó, trong vòng 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán cho NLĐ đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ; trong trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài thời hạn này nhưng cũng không được quá 30 ngày. Đồng thời, NSDLĐ cũng có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại cho NLĐ sổ BHXH và những giấy tờ khác của NLĐ mà NSDLĐ đã giữ [92].
1.2 Hậu quả pháp lý nếu NSDLĐ vi phạm quy định về chấm dứt HĐLĐ
Theo quy định của BLLĐ, nếu NSDLĐ không thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo trước và NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà các bên không ký HĐLĐ mới trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, thì HĐLĐ xác định thời hạn sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn[93].
2. NSDLĐ phải làm gì nếu không muốn tiếp tục ký HĐLĐ với NLĐ nhưng lại muốn giữ NLĐ ở lại làm việc cho đến khi NSDLĐ tuyển dụng được NLĐ mới thay thế?
Khi HĐLĐ hết hạn mà NSDLĐ và NLĐ đều không muốn tiếp tục ký HĐLĐ mới, mối quan hệ lao động giữa các bên sẽ đương nhiên chấm dứt. Điều 22.2 BLLĐ có quy định về việc phụ lục HĐLĐ sẽ không thể được sử dụng để sửa đổi thời hạn HĐLĐ. Do đó, NSDLĐ nào muốn tiếp tục giữ NLĐ ở lại làm việc trong một khoảng thời gian cho đến khi NSDLĐ tuyển dụng được NLĐ mới thay thế thì phải tái ký HĐLĐ mới với NLĐ có thời hạn từ ngày kế tiếp kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ cho đến khi NSDLĐ tuyển dụng được NLĐ mới thay thế hay là HĐLĐ không xác định thời hạn (nếu đã giao kết hai lần HĐLĐ xác định thời hạn rồi), nếu không muốn bị xử phạt hành chính lên đến 4.000.000 đồng đối với NSDLĐ là tổ chức khi sửa đổi quá một lần thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục HĐLĐ với từ 01 đến 10 NLĐ[94].
[91] Điều 45.1 BLLĐ
[92] Điều 48.3 BLLĐ
[93] Điều 20.2 BLLĐ
[94] Điều 11.1 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/3/2020