Theo quy định của pháp luật, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa nếu được Tòa án triệu tập và nếu không có mặt tại phiên tòa, người làm chứng có thể bị Tòa án ra quyết định dẫn giải tới phiên tòa. Trong trường hợp này, người làm chứng sẽ bị lực lượng công an dẫn giải tới phiên tòa một cách bắt buộc dù muốn hay không. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định, trong trường hợp người làm chứng có lý do chính đáng thì dù được Tòa án triệu tập, họ cũng không cần có mặt tại phiên tòa. Quy định của pháp luật chưa quy định về trường hợp nào được coi là “có lý do chính đáng”, cũng như cách thức (gửi lý do tới Tòa án bằng văn bản hay có thể bằng điện thoại), thời điểm đưa ra lý do này (phải trước khi mở phiên tòa hay có thể ngay tại phiên tòa) tới Tòa án. Vì vậy, có thể hiểu là lý do nào được coi là lý do chính đáng, cũng như việc chấp nhận lý do chính đáng hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tòa án và của Hội đồng xét xử tại khi tại thời điểm mở phiên tòa. Tất nhiên, Tòa án cũng cần xem xét hợp lý tất cả các yếu tố để đưa ra đánh giá đúng đắn của mình. Chẳng hạn, đối với lý do người làm chứng đang đi học hay công tác dài hạn tại nước ngoài rõ ràng là lý do chính đáng không thể có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, đối với trường hợp người làm chứng phải chăm sóc người thân bị bệnh mà vẫn có thể nhờ người khác chăm sóc giùm trong thời gian đương sự có mặt tại phiên tòa, thì Tòa án có thể xem đó không phải là lý do chính đáng.
Người làm chứng không có lý do chính đáng nhưng họ vẫn không bị dẫn giải tới phiên tòa nếu thiếu đi một trong những điều kiện để áp dụng biện pháp dẫn giải người làm chứng như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, trong trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên thì Tòa án cũng không được quyền dẫn giải họ.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.