Câu hỏi 109: Trong hoàn cảnh nào thì nhân chứng trong vụ án hôn nhân được quyền từ chối khai báo theo yêu cầu của Tòa án?

Về nguyên tắc, người làm chứng phải khai báo trung thực, đầy đủ tất cả những tình tiết mà người làm chứng biết được về vụ án, cũng như cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà người làm chứng có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc trong vụ án ly hôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để đảm bảo lợi ích chính đáng của người làm chứng cũng như những người liên quan của họ, pháp luật cho phép người làm chứng từ chối khai báo trong một số trường hợp. Hiện nay, các trường hợp người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai thuộc vào một trong hai trường hợp sau:

  • Có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung, v.v.) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” hoặc “Mật”. Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư được Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Dân sự bảo vệ của chính người làm chứng; và
  • Việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng. Người thân thích ở đây là những người có quan hệ huyết thống, máu mủ trong phạm vi 03 đời ví dụ như bố mẹ, các em ruột, cô gì chú bác ruột, cháu ruột, v.v..[1]

Tuy nhiên, người làm chứng chỉ được quyền từ chối khai báo đối với những lời khai thuộc các trường hợp ở trên và không được từ chối đối với những lời khai khác. Đồng thời, người làm chứng cũng phải nêu rõ cho Tòa án biết về việc người làm chứng từ chối khai báo đối với những lời khai này. Nếu việc từ chối khai báo là không đúng căn cứ thì người làm chứng phải chịu trách nhiệm vì việc từ chối khai báo. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người làm chứng có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự[3]. Vì vậy, khi người làm chứng sử dụng quyền từ chối khai báo nói trên, pháp luật quy định Thẩm phán phải nêu rõ và giải thích cho người làm chứng về trách nhiệm và hậu quả của việc từ chối khai báo mà không có căn cứ.


[1] Điều 20.1.(c2) Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP.

[3] Điều 489.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.