Nếu đó là tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ, BHXH, BHYT, BHTN, quyền và lợi ích có liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với NLĐ thì nguyên đơn là NLĐ có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú hay tại nơi làm việc giải quyết[466]. Như vậy, đối với các tranh chấp có liên quan đến sa thải NLĐ trái pháp luật, NLĐ có thể chọn nộp hồ sơ khởi kiện tại một trong các nơi sau đây: (i) nơi NLĐ làm việc là chi nhánh của doanh nghiệp; hoặc (ii) nơi NLĐ đã đăng ký thường trú.
Vụ án dân sự phải được thụ lý bởi Tòa án có thẩm quyền. Nếu vụ án dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đã thụ lý sẽ phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý của mình[467]. Như vậy, nếu NLĐ chọn Tòa án nơi NLĐ đã đăng ký thường trú giải quyết tranh chấp, Tòa án hay doanh nghiệp sẽ không có quyền yêu cầu thay đổi Tòa án về nơi mà NLĐ đã làm việc hay nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể thay đổi Tòa án giải quyết tranh chấp về nơi NLĐ đã làm việc nếu được sự đồng ý của NLĐ về việc đó[468].
[466] Điều 40.1 (đ) Bộ luật Tố tụng Dân sự
[467] Điều 41.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự
[468] Điều 39.1 (b) Bộ luật Tố tụng Dân sự